Câu chuyện nước mắm Việt trên đất Mỹ

Câu chuyện nước mắm Việt trên đất Mỹ

Sự ra đời của nước mắm Red Boat, cũng như rất nhiều thương hiệu khác, chỉ xuất phát từ mong muốn làm mẹ vui lòng của một cậu con trai.

Năm 1979, Cuong Pham cùng cha mẹ rời Sài Gòn sang Mỹ. Họ định cư ở Nam California. Sau đó, ông trở thành một kỹ sư, làm việc 16 năm cho Apple.
Sống xa quê nhiều năm, nhưng Cuong Pham vẫn còn nhớ rất rõ hương vị của nước mắm Phú Quốc. Chú ông có một xưởng sản xuất tại đây. Và gia đình ông luôn nhận được những can 20 lít - loại đã chọn lọc và sản xuất riêng để dùng trong gia đình. “Tôi thích vị nước mắm trong mọi món ăn mẹ nấu mỗi ngày”, ông cho biết, “Nước mắm rất tinh khiết, sạch, ban đầu thì mặn, nhưng sau đó lại rất đậm đà”.
Cảm giác đó khác hẳn với những loại nước mắm bán tại Mỹ. Ở đây, mẹ ông đành phải chấp nhận sản phẩm của Thái Lan với vị mặn hơn rất nhiều. Bà chẳng thể nào tìm lại được loại nước mắm như ở Việt Nam.
Vì thế, Cuong đã quyết định mở một công ty nước mắm riêng. Ông chấp nhận từ bỏ sự an toàn mà công việc kỹ sư và tư vấn IT tại Silicon mang lại để về Phú Quốc.
cau-chuyen-nuoc-mam-viet-tren-dat-my
Cuong Pham muốn giúp mẹ mình tìm lại vị nước mắm Việt Nam tại Mỹ. Ảnh: Oakland Mag
Năm 2006, ông quyết định mở rộng nhà máy nhỏ do gia đình sở hữu. Kết quả là Red Boat ra đời.
Tại trung tâm Dương Đông - thị trấn lớn nhất tại đảo Phú Quốc, người ta có thể ngửi thấy mùi nước mắm của công ty Cuong từ trước cả khi nhìn thấy nó. Đến khi bước vào trong nhà xưởng lợp mái tôn, mùi này trở nên hữu hình hơn rất nhiều, với 85 thùng gỗ lớn mở nắp. Bên trong đó, theoEconomist, chính là huyết mạch của Đông Nam Á.
Nước mắm là nguồn cung cấp protein cho hàng triệu người, và cũng là tâm điểm cho nền ẩm thực đa dạng của khu vực này, cũng như dầu olive với miền nam Italy vậy. Nó có rất nhiều tên gọi - nam pla ở Thái Lan, tuk trey ở Campuchia và patis ở Philippines. Tại nhiều nước khác, như Myanmar hay Campuchia, người ta cũng ăn các loại cá lên men nữa.
Trong xưởng của Cuong, mỗi thùng chứa 12 tấn cá cơm đánh bắt từ Vịnh Thái Lan, ướp cùng muối biển. Khi thành phẩm đạt yêu cầu, nhân viên sẽ mở vòi dưới đáy thùng và rót vào chai, hoặc rót cho bất kỳ ai tham quan nhà máy và muốn nếm thử.
cau-chuyen-nuoc-mam-viet-tren-dat-my-1
Cuong Pham rất khắt khe trong việc chọn lọc sản phẩm xuất khẩu. Ảnh: LA Times
Phú Quốc rất nổi tiếng với nước mắm. Tuy nhiên, đa phần các xưởng sản xuất giữ lại cho mình nước mắm nhĩ - gồm những giọt đầu tiên lấy ra từ thùng, cũng là loại nước mắm người chú đem cho gia đình ông.
Cuong lại bán luôn những chai này. “Ai cũng nghĩ là tôi điên” vì bán nó, doanh nhân gần 60 tuổi cho biết, “Mọi người đều hiểu là anh không cần phải bán chai đầu tiên. Nó nên giữ lại cho mình”. Cũng vì thế, số sản phẩm của công ty ông khá ít. Một thùng 12 tấn chỉ cho ra 3.000 lít. Tức là ông mất 4kg cá để sản xuất ra một lít nước nắm nhĩ. Sau đó, chỉ khoảng 30% nước mắm nhĩ là đạt tiêu chuẩn của chính Cuong để mang đi xuất khẩu.
Dĩ nhiên, giá của nó cũng sẽ đắt tương ứng. Một chai nước mắm nhĩ chất lượng có thể bán với giá cao gấp 3 bình thường, tức là 9 USD cho 250ml. Nó có hàm lượng protein cao gấp nhiều lần, tức là vị sẽ đậm đà hơn.  
Người phương Tây trước nay không thích nước mắm. Tuy nhiên, việc này đang dần thay đổi. Vì nó khiến các món ăn có vị đậm đà mà muối không thể làm được. Dù mục đích của Cuong là làm nước mắm cho những người xa quê như mẹ mình, các đầu bếp tại Thái Bình Dương và châu Âu cũng thích nó.
Sản phẩm này không chỉ được bán tại các kệ của Whole Foods - chuỗi cửa hàng bán thực phẩm hữu cơ, mà còn có mặt trong nhà hàng của hàng loạt đầu bếp nổi tiếng tại Mỹ, như Cockscomb hay State Bird Provisions ở San Francisco, Qui ở Austin hay 610 Magnolia ở Louisville.
Quan trọng hơn cả là với Cuong, nó sẽ làm mẹ ông và hàng trăm nghìn người khác như bà cảm thấy vui vẻ. Họ chỉ muốn tìm kiếm hương vị quê hương khi sống ở một nơi rất xa. “Tôi đã rất xúc động khi thấy một cụ bà khập khiễng bước ra khỏi một cửa hàng của người châu Á, trên tay cầm sản phẩm của chúng tôi. Họ đã khám phá lại được hương vị đó. Điều đó thật đẹp”, Cuong nói.
Hà Thu (theo Economist/Oakland Mag)
Bình luận & Góp ý

0 nhận xét :

Đăng nhận xét