Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung: "Sóng gió" trong 3 năm làm sách nhạc cho thiếu nhi
ANTD.VN - Nói đến nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung, ngoài các ca khúc nhẹ nhàng, lãng mạn về tình yêu, thời gian gần đây công chúng còn vô cùng ngưỡng mộ trước những tâm huyết anh đặt vào những dự án nghệ thuật dành cho thiếu nhi. Ở góc độ một người làm cha, Nguyễn Văn Chung đã có những chia sẻ về thị trường âm nhạc dành cho trẻ em và cả những cuộc thi âm nhạc đang “dày vò” các bé thiếu nhi nhiều năm qua.
Muốn xây một khu vườn âm nhạc cho các bé
- PV: Tính đến thời điểm hiện tại, sản phẩm 100 bài hát thiếu nhi của anh đã được đón nhận như thế nào?
- Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung: Tôi rất vui và tự hào khi chia sẻ rằng 1.000 bản đợt in đầu tiên đã bán hết trong vòng 15 ngày kể từ khi họp báo ra mắt sách dịp Quốc tế Thiếu nhi 1-6. Do lần đầu in sách, tôi chưa có kinh nghiệm, nhưng cũng không ngờ sách lại được đón nhận nồng nhiệt như thế nên chưa chuẩn bị sẵn về cả tinh thần lẫn tiền bạc, dẫn đến việc khan hiếm sách mấy ngày gần đây. Tôi đang in đợt 2, tái bản 5.000 bản, trong tuần này sẽ có sách.
Ở đợt sau này, tôi có cải tiến thêm vào một số câu đố vui trong sách và những tương tác giữa các bé cùng cha mẹ. Hiện tại đã có nhiều nhà thiếu nhi các quận trong TP.HCM, các trường mầm non, nhà sách, cửa hàng, siêu thị trẻ em... đặt hàng trước cho số sách sắp tới.
- Anh có thể chia sẻ ý tưởng về phát hành sản phẩm này?
- Tôi đã ấp ủ những sáng tác cho thiếu nhi từ 3-4 năm trước, từ khi con trai tôi chào đời. Tôi muốn các con của mình được sống trong một môi trường âm nhạc thiếu nhi đúng nghĩa, tôi muốn giáo dục con mình về thế giới xung quanh, về gia đình, về ứng xử bằng những bài hát thiếu nhi do tôi sáng tác. Tôi muốn tâm hồn của chúng thật sự trong sáng, đúng lứa tuổi của mình và đó là ước muốn của một người cha.
Còn ở góc độ của một người nhạc sĩ, tôi muốn mình phải làm một điều ý nghĩa cho thế hệ thiếu nhi hiện nay, xây dựng một khu vườn âm nhạc cho các bé, là người đi tiên phong để các đơn vị, các tổ chức xã hội quan tâm đến đời sống tinh thần của các bé hơn. Ngoài ra, tôi cũng muốn bản thân mình phải chinh phục những đỉnh cao mới, những thử thách mới cho sự nghiệp sáng tác của mình bên cạnh thành công của những tác phẩm về đề tài tình yêu mà mọi người đã biết đến Nguyễn Văn Chung trong hơn 10 năm qua.
- Là một nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực sáng tác lẫn giảng dạy cho thiếu nhi, anh có đánh giá hay nhận xét gì về thị trường âm nhạc dành cho các bé suốt nhiều năm qua?
- Tôi thấy âm nhạc cho các bé trong nhiều năm qua thật sự thiếu hụt trầm trọng, thiếu vắng những bài hát mới, thiếu vắng những chương trình “thật sự vì thiếu nhi”. Các bé cứ nghe và hát những bài hát cũ, một số bài hát ca từ không còn phù hợp với cuộc sống hiện đại. Thay vì những ca khúc mang đầy màu sắc tuổi thơ thì các bé lại phải nghe những ca khúc mà cha mẹ hoặc người nhà các bé yêu thích. Những cuộc thi thì không có bài thiếu nhi chất lượng dẫn đến việc ép các bé hát những bài hát nước ngoài hoặc những bài hát dành cho người lớn. Đó là một điều vô cùng đáng tiếc!
Mặt trái của các sân chơi ca nhạc thiếu nhi
- Những năm gần đây, các cuộc thi âm nhạc, tài năng dành cho trẻ em nở rộ. Ở hai góc độ, một là nghệ sĩ, hai là người làm cha, anh có cảm nhận thế nào?
- Những chương trình dành cho thiếu nhi hay ở chỗ, nó tạo ra một sân chơi để các bé thể hiện được khả năng của mình, hiện thực hóa ước mơ làm nghệ sĩ cho các bé, được lên truyền hình... nhưng ít ai thấy được mặt trái của nó. Một đứa trẻ phải gánh chịu áp lực thi cử nặng nề mà người đặt lên vai chúng lại chính là những người làm cha mẹ. Chúng phải làm cái bia cho những bình luận khen chê, những lời nói độc địa của mạng xã hội, bị tổn thương vì những bất công trong cuộc thi khi nghĩ rằng “tại sao ai cũng bảo nó hát hay hơn mà lại bị loại?”.
Tôi đã từng làm giám khảo không ít cuộc thi ca hát dành cho thiếu nhi và tôi chứng kiến nhiều chuyện đau lòng lắm. Ví dụ như một người mẹ to tiếng với Ban tổ chức vì sao con mình không được giải quán quân mà đứa kia lại được, đứa trẻ đứng kế bên nước mắt giàn giụa. Hay một đứa bé khi không cầm được tấm vé vào vòng trong bỗng sụp xuống khóc nức nở: “Con không được vé là mẹ không cho con vô nhà, không cho con ăn cơm, mẹ bỏ con luôn”! Những lúc ấy tôi thấy nhói lòng và tự hỏi: “Người lớn chúng ta đang làm gì với mấy đứa nhỏ thế này?”.
- Anh có cho rằng chính những tác động như vậy đã ảnh hưởng đến sự hình thành tính cách, lối sống, suy nghĩ... cho các bé?
- Đúng vậy! Tôi chỉ trả lời ngắn gọn vậy thôi, đó là sự thật vì trẻ con học từ người lớn mà ra.
- Theo anh, để cải thiện những điều này, những người nghệ sĩ và các bậc phụ huynh cần phải làm gì?
- Tôi thấy rằng chỉ nói thôi thì không đủ sức thuyết phục, qua thời gian những lời nói cũng theo gió bay mất. Vì thế, tôi làm! Tôi đã quyết tâm dành toàn bộ tâm trí, thời gian, tiền bạc trong suốt 3 năm qua để thực hiện quyển sách nhạc bởi vì tôi nghĩ, điều cốt lõi nhất vẫn là thiếu bài hát thiếu nhi.
Nhiều người nói “sẽ chấn hưng dòng nhạc thiếu nhi”, “sẽ thay đổi toàn bộ dòng nhạc thiếu nhi” hay “sẽ làm một dự án dài hơi cho thiếu nhi”... nhưng có ai thật sự quan tâm đến điều cốt lõi và đơn giản nhất của việc đó - thiếu sáng tác cho thiếu nhi!? Không có bài hát mới thì thay đổi thế nào, chấn hưng ra sao? Vì thế tôi sáng tác. Và tôi nghĩ, cho dù tôi có thành công hay không thì quyển sách này cũng là một niềm tự hào trong suốt sự nghiệp sáng tác của mình!
- Sau 100 bài hát thiếu nhi, anh có những dự án nghệ thuật nào khác?
- Có, nhưng tôi xin phép “làm gần xong mới nói” như thói quen từ trước đến giờ!
Tự hào vì vợ sẵn sàng chịu khổ cùng mình
- Về việc giáo dục con cái, vợ anh chia sẻ với anh thế nào?
- Về dạy con thì tôi là người rất nghiêm khắc. Tôi muốn con mình biết phân biệt phải trái, có kỷ luật bản thân, có suy nghĩ thẳng thắn, là một người đàng hoàng, biết nghĩ cho gia đình và cho bản thân. Vì thế tôi luôn thưởng phạt rõ ràng, dạy con biết dạ thưa, cảm ơn, xin lỗi, vâng lời người lớn! Đó là những điều đầu tiên mà chúng ta phải dạy cho một đứa trẻ!
- Trong showbiz, ai cũng ngưỡng mộ hạnh phúc gia đình anh. Vậy bí quyết nào để hai anh chị luôn giữ được “lửa”?
- Thật ra chúng tôi chẳng có bí quyết nào cả. Cũng có lúc chúng tôi giận nhau, cãi vã, sóng gió tưởng như chia tay, nhưng cuối cùng, mỗi người đều phải nghĩ đến người kia, nghĩ đến tình cảm dành cho nhau mà nhường nhịn nhau, rồi dần dần mới thấu hiểu và sống vì nhau.
- Trải qua nhiều năm bên nhau, sóng gió nào mà anh chị từng vượt qua?
- Chúng tôi cùng vượt qua quãng thời gian khó khăn về kinh tế trong suốt hơn 3 năm nay, khi tôi dành toàn bộ thời gian để làm dự án sách nhạc cho thiếu nhi. Tiền vay ngân hàng mỗi tháng rất áp lực, thêm nữa là chi phí cho các con, mà tôi thì lại tạm gác những sáng tác về tình yêu nên nguồn thu không được dồi dào như trước. Ba năm liên tục vợ tôi không dư dả để sắm Tết, tôi không dắt vợ đi du lịch nước ngoài hay mua những món quà đắt tiền cho cô ấy vào những dịp đặc biệt. Càng thương vợ vì mấy năm nay chịu khổ cùng mình, tôi lại càng thấy tự hào vì như vậy mới biết mình cưới được một người thật sự yêu mình! Tôi biết trong thời buổi hiện nay, tìm được một người con gái sẵn sàng ở bên mình lúc khó khăn nhất là cực kỳ khó, vì thế năm nay tôi tự hứa với lòng sẽ bù đắp cho cô ấy một cái Tết thật lớn!
- Cảm ơn và chúc cho những dự án âm nhạc cũng như cuộc sống của gia đình anh gặp nhiều thuận lợi, niềm vui!
Nhiều người nói “sẽ chấn hưng dòng nhạc thiếu nhi”, “sẽ thay đổi toàn bộ dòng nhạc thiếu nhi” hay “sẽ làm một dự án dài hơi cho thiếu nhi”... nhưng có ai thật sự quan tâm đến điều cốt lõi và đơn giản nhất của việc đó - thiếu sáng tác cho thiếu nhi!? Không có bài hát mới thì thay đổi thế nào, chấn hưng ra sao? Vì thế tôi sáng tác.
0 nhận xét :
Đăng nhận xét