Cảnh sát giao thông dừng nhiều xe Grab, Uber đi vào phố cấm
Trong ngày đầu áp dụng lệnh cấm, nhiều tài xế taxi công nghệ bị cảnh sát giao thông dừng xe nhắc nhở.
Sáng 11/1, tại phố Phủ Doãn, Hoàn Kiếm, Hà Nội cảnh sát giao thông dừng nhiều xe Uber, Grab đi vào đường cấm để nhắc nhở. Ảnh: Phương Sơn
|
Sáng 11/1, quy định cấm taxi truyền thống và xe Uber, Grab bắt đầu có hiệu lực trên nhiều tuyến phố ở Hà Nội.
Các tổ cảnh sát giao thông cùng công an phường, thanh tra giao thông chốt trực, tuần tra tại khu vực phố Phủ Doãn, đoạn qua cổng bệnh viện Việt Đức, đã dừng xe để nhắc nhở, xử lý nhiều tài xế taxi dừng đỗ, đón trả khách và đi vào phố cấm.
Tại đây, nhiều tài xế Uber, Grab bị cảnh sát dừng xe đã bỏ chạy; một số tài xế khác thì trình bày với lực lượng chức năng là không biết có lệnh cấm, mặc dù ở đầu tuyến phố đã có tấm biển cấm khá lớn.
Tài xế trung tuổi đi xe Toyota Vios màu vàng cát, trước kính chắn gió gắn một tấm biển nhỏ "xe hợp đồng" vừa đi từ phố Triệu Quốc Đạt vào phố Phủ Doãn được chừng 20m, thì bị thượng úy Lý Quốc Dũng dừng xe và thông báo lỗi đi vào phố cấm. Nhắc nhở tài xế này, thượng úy Dũng nói, "từ hôm nay, các xe dưới 9 chỗ dạng hợp đồng vận tải bị cấm tương tự taxi truyền thống, nếu tài xế cố tình tái phạm thì chúng tôi sẽ xử lý theo quy định".
Tài xế này tỏ ra khá ngạc nhiên và cho rằng mình chưa nắm được chủ trương cấm nêu trên của Thành phố. Ông cũng cam kết không tái phạm.
Các xe taxi công nghệ thí điểm ở Hà Nội được dán tem ở cửa và có tên biển "xe hợp đồng" để ở kính lái phía trước. Ảnh: Phương Sơn
|
Theo thượng úy Dũng, để phát hiện các loại taxi công nghệ như Uber, Grab không khó, vì hiện hầu hết xe tham gia thí điểm hoạt động ở Hà Nội đều được dán logo hình tròn ở bên hông phải, ngoài ra trước kính lái còn để tấm biển nhỏ ghi "xe hợp đồng".
Trung tá Thiều Mạnh Ngọc, Đội trưởng Đội CSGT số 1 cho biết, trong sáng cùng ngày, các tổ công tác của đội tập trung tuần tra, kiểm soát và chủ yếu là nhắc nhở, tuyên truyền với tài xế taxi Uber, Grab.
Ông Ngọc nói, các hãng taxi cũng cần thông báo cho từng tài xế để nắm rõ chủ trương của thành phố. "Sau khi có thông báo cụ thể, tài xế vẫn cố tình không chấp hành thì đơn vị sẽ phối hợp với các lực lượng chức năng khác xử lý nghiêm theo quy định", trung tá Ngọc nhấn mạnh.
Theo kế hoạch của Sở Giao thông Vận tải, trong 10 ngày đầu cắm biển cấm, cơ quan này giao lực lượng thanh tra phối hợp với các đơn vị chức năng của Công an thành phố và chính quyền địa phương tổ chức chốt trực, hướng dẫn phân luồng giao thông cho các phương tiện.
Hà Nội đã cắm biển cấm xe Uber và Grab trên 13 tuyến phố trung tâm để thí điểm. Ảnh:Phương Sơn
|
Dự kiến thời gian thí điểm cấm taxi công nghệ sẽ diễn ra trong một tháng, từ 11/1 đến 11/2.
Các tuyến đường (phố) hạn chế hoạt động trong khung giờ cao điểm từ 6h00 - 9h00 và 16h30 - 19h30 gồm: Giảng Võ, Láng Hạ, Lê Văn Lương, Trường Chinh (đoạn từ Vương Thừa Vũ đến Tôn Thất Tùng), hạn chế hoạt động theo cả hai chiều từ. Phố Khâm Thiên hạn chế hoạt động theo chiều từ Lê Duẩn đi Ô Chợ Dừa. Các tuyến đường (phố) hạn chế hoạt động từ 0h đến 21h00 gồm đường Cầu Giấy, Xuân Thủy, hạn chế hoạt động theo cả hai chiều.
Các tuyến đường (phố) hạn chế hoạt động 24/24h (cả ngày, đêm) gồm: phố Phủ Doãn - hạn chế hoạt động theo chiều từ Tràng Thi đến Hàng Bông; ngõ 897 Giải Phóng (cổng vào bến xe phía Nam), hạn chế hoạt động theo chiều từ Giải Phóng đi vào bến xe.
Cầu Chương Dương, hạn chế hoạt động theo chiều từ Nguyễn Văn Cừ sang Trần Nhật Duật trong thời gian từ 6h đến 9h trừ ngày lễ, thứ Bảy và Chủ nhật. Phố Hàng Bài (đoạn từ Trần Hưng Đạo đến Lý Thường Kiệt), hạn chế hoạt động theo chiều từ Trần Hưng Đạo đến Lý Thường Kiệt, thời gian từ 19h đến 24h các ngày thứ Sáu, thứ Bảy và Chủ nhật.
|
Bạn có thể quan tâm
0 nhận xét :
Đăng nhận xét