Hôn mê vì ung thư di căn não, người phụ nữ Bắc Giang sinh con khoẻ mạnh
09/12/2019 14:54 GMT
Vượt qua đau đớn và hiểm nguy, chị Nguyễn Thị Hoa, 36 tuổi, ở xã Quý Sơn, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang vẫn quyết định sinh con dù biết ung thư đã di căn.
Xin ngừng điều trị ung thư để sinh con
Chị Hoa vốn là công nhân may, thời điểm tháng 4/2013, chị thường xuyên thấy ngực đau nhói. Khi đi khám tại BV đa khoa tỉnh, bác sĩ chẩn đoán có khối u ở vú, sau đó chị được chuyển xuống BV K để thực hiện tiểu phẫu, không may kết quả sinh thiết khẳng định chị mắc ung thư vú.
Thời điểm ấy, chị Hoa rơi vào khủng hoảng, suy sụp hoàn toàn, nghĩ hết cách chữa trị nhưng nhờ được bác sĩ và gia đình động viên, chị đã đồng ý ở lại BV K điều trị.
Tại đây, chứng kiến nhiều hoàn cảnh bệnh nhân khác khó khăn hơn mình, nan giải hơn mình nhưng vẫn kiên trì nên chị dần suy nghĩ lạc quan hơn, tin tưởng điều trị.
3 khối u trên não khiến chị Hoa rơi vào hôn mê ở tuần thai thứ 34
Trong suốt 5 năm, từ 2013-2018, chị Hoa đã rất nhiều lần chia sẻ với bác sĩ khát khao được làm mẹ, dù chưa biết ngày mai sẽ ra sao.
“Tôi luôn mong sẽ được ôm con trong vòng tay, dù ngắn ngủi thôi nhưng cũng rất mãn nguyện”, chị Hoa chia sẻ.
Đến đầu năm 2019, khi tình trạng bệnh đã ổn định hơn, chị Hoa xin tạm dừng điều trị để mang thai.
TS.BS Hàn Thị Thanh Bình, Phó trưởng khoa Nội 5, BV K, người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân Hoa cho biết, dù hiểu được khát vọng làm mẹ rất lớn của bệnh nhân nhưng những hoá chất đã điều trị hoàn toàn có thể ảnh hưởng đến thai nhi, chưa kể trong quá trình mang thai có thể gặp nhiều biến chứng nguy hiểm.
Nhưng trước khát khao và sự quyết tâm quá lớn của chị Hoa, bác sĩ quyết định hội chẩn, cùng phối hợp để tư vấn sức khoẻ, theo dõi và chăm sóc suốt thai kỳ khi chị mang bầu.
Hồi phục kỳ diệu dù di căn não
Tháng 4/2019, chị Hoa đậu thai trong niềm hạnh phúc vỡ oà của người phụ nữ khao khát làm mẹ. Hàng ngày chị vẫn đi làm công nhân, mọi sinh hoạt đều bình thường.
Tuy nhiên đến tháng thứ 7, chị Hoa thường xuyên bị nôn, ăn và là nôn ra hết. Ban đầu chị nghĩ bị nghén vì cơ thể không có dấu hiệu gì khác thường, nhưng khi đến BV Phụ sản TƯ và BV K kiểm tra, bác sĩ thông báo, tế bào ung thư vẫn đang tiếp tục phát triển và hiện đã di căn lên não.
Thông tin này khiến chị rất suy sụp nhưng vẫn quyết định giữ thai. Từ tuần thai thứ 28, chị Hoa có dấu hiệu giảm trí nhớ, mọi sinh hoạt phải nhờ người khác giúp.
TS Liên cùng trao đổi với bệnh nhân về kết quả điều trị
Đến tuần thứ 34, chị Hoa mất hoàn toàn trí nhớ, bắt đầu rơi vào hôn mê, thai có biểu hiện suy tim nên ngay lập tức được chỉ định mổ bắt con.
Ngày 29/10, bé gái Hương Giang nặng 2 kg chào đời trong niềm hạnh phúc của cả gia đình và các bác sĩ tại BV Phụ sản TƯ.
Do tình trạng chị Hoa rất nguy cấp nên 3 ngày sau khi mổ bắt con, chị được chuyển sang BV K để tiếp tục điều trị.
Sau hội chẩn, các bác sĩ BV K quyết định điều trị u não trước, vì bệnh nhân không đủ sức khoẻ để điều trị toàn thân, có thể hôn mê hoặc tử vong.
TS.BS Nguyễn Đức Liên, Trưởng khoa Ngoại thần kinh cho biết, trường hợp bệnh nhân Hoa rất đặc biệt, khối u đã di căn vào não 3 ổ, đặc biệt di căn vào hố sau gây chèn ép, hôn mê. Để cứu tính mạng, bệnh nhân sẽ buộc phải phẫu thuật giải phóng u chèn ép. Phương pháp xạ phẫu bằng dao Gamma được lựa chọn.
Tuy nhiên nếu xạ phẫu 1 lần duy nhất, bệnh nhân sẽ đối mặt với nguy hiểm do không đảm bảo sức khoẻ, do vậy ekip bác sĩ quyết định xạ phẫu thành 3 lần, mỗi lần cách nhau 2 tuần, kết hợp điều trị hoá chất và miễn dịch.
“Ưu điểm của dao Gamma là có giải quyết cùng lúc 3 ổ khối u thay vì 1 ổ như mổ mở. Xạ phẫu bằng dao Gamma cho phép tập trung liều điều trị vào khối u, ít ảnh hưởng cấu trúc não xung quanh, giảm thời gian hồi phục 2-3 tuần so với mổ mở”, TS Liên thông tin.
Với trường hợp của chị Hoa, khối u nằm cạnh hệ thống não thất, có thể dẫn đến tình trạng ứ nước trong não, do vậy các bác sĩ đã chuẩn bị cả phương án mổ phối hợp để dẫn lưu dịch não tủy nếu cần.
Đến ngày 3/12 vừa qua, bệnh nhân trải qua đợt xạ phẫu lần cuối. Sau 6 tuần điều trị, sức khoẻ chị Hoa hồi phục rất tốt, trí nhớ đã dần hồi phục, tỉnh táo trở lại, khối u đã giảm 40% thể tích.
“Tôi đã nghĩ mình khó qua khỏi nhưng khi được mở mắt trở lại, tôi đã không cầm được nước mắt, cảm thấy mình được hồi sinh lần 2 để trở về với con”, chị Hoa chia sẻ.
Hiện tại, con gái chị Hoa ăn tốt, ngủ tốt, bản thân chị đang điều trị phối hợp nội khoa ung thư, điều trị ung thư và đáp ứng rất tốt với thuốc.
0 nhận xét :
Đăng nhận xét