Sau Tết Nguyên đán, các tiệm ăn uống, hàng quán... tổng lực để vực dậy doanh thu sau kỳ nghỉ dài ngày, song những ảnh hưởng của dịch bệnh do virus corona (Covid-19) đã tạo nên một cú sốc đối với giới kinh doanh khi người dân giảm đến nơi công cộng.
Nhiều cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống, thời trang cho biết xu hướng tiêu dùng của khách hàng đã dịch chuyển sang tiêu dùng online, điều này cũng bù đắp phần nào lượng khách đến ăn uống trực tiếp tại cửa hàng đang giảm sút.
Cửa hàng cầm cự trong mùa dịch
Dọc con đường ăn uống Phạm Văn Đồng (TP.HCM) thời điểm này các quán nhậu đều đìu hiu thực khách, đối lập với cảnh nhộn nhịp bên trong các hàng quán như trước đây. Từ khi Nghị định 100 nâng mức xử phạt vi phạm hành chính về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện giao thông có hiệu lực, các quán nhậu ở đây bắt đầu thưa thớt khách nhậu và đến đợt dịch virus corona thì khách vắng hẳn dù đang là mùa tiệc tùng gặp mặt đầu năm.
Theo nhiều chủ quán nhậu, chưa có năm nào thời điểm đầu năm mà các hàng quán lại chỉ lác đác khách như năm nay. Ông Nguyễn Minh Tuấn, chủ một quán nhậu trên đường Phạm Văn Đồng, cho biết có những đêm cả quán chỉ có hơn chục khách, giảm đến 60-70% so với trước đây.
Theo ông Tuấn, tâm lý sợ đến nơi đông người cộng với Nghị định 100 mới ra phạt quá nghiêm đã tác động mạnh đến thói quen ăn uống của người dân thành phố. Do đó, ông Tuấn cho rằng các hàng quán hiện nay chủ yếu mở cửa để cầm chừng "giữ mối" chờ khôi phục lại kinh doanh sau dịch.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Hoa, chủ một quán ốc trên đường Phạm Văn Đồng, cũng cho hay thường ngày quán của bà đông khách hàng, song sau Tết đến nay lượng khách giảm đến một nửa. Theo bà Hoa, phần vì sinh viên đang được nghỉ kéo dài, mất đi một lượng lớn khách hàng, phần vì nhiều người sợ đến nơi đông người, hạn chế đến các hàng quán. Ngoài ra, chủ quán ốc này cũng cho biết xu hướng ăn uống của người dân cũng thay đổi, trước đây khách đến ăn nhiều, ngồi lâu và tiêu thụ bia mạnh nhưng hiện nay khách chỉ đến ăn rồi ra về, rất ít người uống bia tại quán.
Sôi động giao hàng tận nhà
Để tránh bị lây nhiễm virus corona, nhiều người chọn cách mua hàng giao nhận nhà, do đó nhiều hàng quán cũng thay đổi thói quen bán hàng để chìu "thượng đế" trong mùa dịch.
Tại tiệm ẩm thực Cà Mèn (Q.Phú Nhuận), những ngày này lượng khách đặt thức ăn qua các ứng dụng đặt hàng, giao tận nơi như GrabFood, Now... đang tăng lên. Anh Thuận chủ tiệm cho biết từ khi mở cửa trở lại sau kỳ nghỉ Tết, số lượng đơn hàng giao tận nơi tăng liên tục, nhiều ngày đơn hàng tăng mạnh so với những mùa cao điểm trước Tết.
Do đó, cửa hàng vẫn đảm bảo doanh thu bởi số lượng đơn hàng bán ra ổn định và khách mua về nhà qua ứng dụng sẽ giúp cửa hàng giảm các chi phí duy trì phục vụ tại quán.
Tương tự, đại diện một chuỗi trà sữa lớn tại Việt Nam cho biết dù lượng khách đến trực tiếp tại các cửa hàng sử dụng thức uống có phần giảm, song một lượng lớn khách hàng đã chuyển sang đặt hàng online.
"Đây đang là mùa gặp mặt tân niên, rất nhiều đơn hàng đặt với số lượng lớn, giao đến tận nhà, tận văn phòng có sự tăng lên rõ rệt, đây cũng là tín hiệu đáng mừng đối với ngành ẩm thực", vị này nói.
Gần 1 giờ trưa, anh Minh Sơn có mặt tại một quán ăn ở ngay chung cư Miếu Nổi (Q.Bình Thạnh) rồi nhanh nhẹn lấy hai phần cơm gà và cơm cá kho khách vừa đặt để giao tới địa chỉ nhà ở quận Phú Nhuận. Quan sát, trong quán ăn này chỉ có vài thực khách ngồi ăn tại chỗ, trong khi đó số khách tới mua hộp cơm đem về và số tài xế tới nhận thức ăn đi giao lại khá đông.
Theo anh Minh Sơn, vào mùa dịch nhu cầu đặt đồ ăn qua ứng dụng cài sẵn trên điện thoại tăng đáng kể. "Tui quy ước chỉ giao đủ 17 đơn hàng trong một ngày rồi nghỉ, chớ không làm nhiều hơn. Trước kia khách đặt ít, muốn đủ 17 đơn phải chờ giao hơn 4 tiếng đồng hồ, nhưng mấy bữa nay chỉ tầm 3 tiếng đã đủ 17 đơn rồi, được nghỉ sớm hơn", anh Sơn chia sẻ rồi vội vã đề máy xe, chạy nhanh đi giao cơm.
Xu hướng mua hàng thay đổi, nhiều cửa hàng cũng chuyển mình để không bị khách hàng bỏ rơi.
Ngày lễ tình nhân Valentine 14-2 cận kề mà tình hình kinh doanh quần áo nữ khá trầm lắng, nhận thấy khách hàng đang chuyển sang xu hướng mua hàng tại nhà chứ không mặn mà tới cửa tiệm như lúc trước, chị Nguyễn Thị Thiên Trang - quản lý một tiệm quần áo tại Q.Gò Vấp, cho biết cửa hàng đã quyết định áp dụng chính sách miễn phí giao hàng cho khách dễ dàng mua sắm. Chưa kể, tiệm này còn áp dụng chính sách giảm giá, khuyến mãi hút khách mua sắm Valentine.
"Mình đứng yên nhìn thì không giải quyết được. Từ hôm kia quyết định miễn phí vận chuyển, giảm giá đến 50% nhiều sản phẩm, áp dụng cho cả bộ sưu tập mới, khách đặt mua online cũng tăng gấp 2 lần, coi như cũng mừng", chị Thiên Trang nói.
Theo tìm hiểu, nhiều cửa hàng hiện nay đã có những cách "sống chung" với dịch, thúc đẩy doanh số bằng nhiều phương pháp khác nhau như miễn phí vận chuyển, khuyến mãi, giảm giá, tặng khẩu trang, nước rửa tay cho khách mua hàng. Đồng thời, đa số các nhân viên bán hàng đều mang khẩu trang y tế, tại cửa hàng cũng trang bị khẩu trang y tế, dung dịch rửa tay sát khuẩn cho khách mua hàng và cam kết thường xuyên lau chùi tủ đựng đồ, cửa kính, tay nắm cửa để khách yên tâm mua sắm.
Chung tay hỗ trợ nông dân trong mùa dịch
Các nhân viên văn phòng ở Quận 2 gom tiền mua dưa về tặng lại cho người dân TP.HCM - Ảnh: HIẾU GIANG
Những ngày này, rất nhiều điểm bán dưa "giải cứu" mọc lên khắp thành phố, trong đó có những điểm cho không dưa bởi những nhà hảo tâm đã bỏ tiền đến tận vườn mua dưa để tặng lại người dân.
Tại đường Nguyễn Hoàng (Q.2) mấy ngày qua đã trở thành điểm phát dưa hấu miễn phí để chia sẻ với bà con Gia Lai. Cụ thể, nhóm nhân viên một công ty thiết kế đã cùng nhau mua 1,5 tấn dưa hấu từ Gia Lai về TP.HCM rồi phát miễn phí cho người đi đường.
Tương tự, tại đường Lạc Long Quân (Q.11), một nhà hảo tâm cũng bỏ tiền mua hàng tấn dưa đến phát miễn phí cho người đi đường như một cách chia sẻ với bà con nông dân trồng dưa đang bị ảnh hưởng khi giá dưa rớt mạnh do không thể xuất khẩu. Thậm chí, có chủ doanh nghiệp còn tìm về Gia Lai mua tận 10 tấn dưa, đánh xe chở về Bình Dương để tặng lại cho các công nhân của một nhà máy tại đây.
0 nhận xét :
Đăng nhận xét