Trung QuốcNgày
3/2, người ta đọc được dòng cập nhật lên mạng xã hội của Li Lun: "Tôi
sợ mình sẽ gục ngã. Tôi đã gọi điện thoại khắp nơi cũng chẳng ai quan
tâm".
Không ít người Vũ Hán có cùng tâm trạng như cô. Tính đến ngày 6/2, số
bệnh nhân nhiễm virus corona gây viêm phổi đã lên hơn 28.000 người,
trong đó 565 trường hợp tử vong. Ở trung tâm dịch bệnh, dân Vũ Hán bất
lực trong việc giúp đỡ bệnh nhân và bảo vệ người khỏe mạnh.
Li Lun cảm thấy tuyệt vọng. Chồng cô nhiễm virus nCoV và sốt nhiều tuần
mà không thể vào viện hay tìm chỗ cách ly. Gia đình cô không nhận được
hướng dẫn từ trung tâm kiểm soát dịch bệnh địa phương và tổ dân phố, nơi
chịu trách nhiệm liên lạc với bệnh viện để sắp xếp điều trị và theo
dõi.
Ngày 3/2, Li gửi hai con đến nhà họ hàng. Cô và mẹ chồng cũng có dấu
hiệu bị viêm phổi, cần cách ly ngay. Li còn nôn và tiêu chảy. Không biết
làm gì khác, Li cầu xin sự giúp đỡ trên mạng xã hội.
Những người Vũ Hán khác không khá hơn Li. Một phụ nữ đưa cha mẹ bị nhiễm
virus corona đi qua ba bệnh viện để tìm chỗ điều trị. Tới cơ sở cuối
cùng, nơi không có giường bệnh, hai cụ già đã sốt đến mức không đủ sức
về nhà. Người phụ nữ đành trải chăn lên sàn bên ngoài phòng khám đến cha
mẹ ngủ ở đó.
Đối với một số bệnh nhân, điều khó khăn nhất là sự cách ly. Đã chín ngày
kể từ lần cuối cùng Yan 37 tuổi gặp chồng và hai con, một bé gái 11
tháng tuổi và một bé trai 11 tuổi. Cuối tháng 1, sau khi bị sốt, Yan
chuyển đến căn hộ của mẹ mình để tự cách ly. Vài ngày sau, cả hai mẹ con
cô được xác định dương tính với virus. Yan và mẹ hiện ở trong những căn
phòng riêng biệt. Nếu vào khu vực sinh hoạt chung để lấy thức ăn, họ
đều đeo khẩu trang.
Triệu chứng của mẹ con Yan khá nhẹ. Yan hy vọng xét nghiệm sắp tới sẽ
chứng minh hệ miễn dịch của cô đã chống được virus. "Như thế, tôi sẽ có
thể đoàn tụ với chồng con", cô nói.
Một phòng tập thể thao được biến thành chỗ cách ly bệnh nhân viêm phổi ở Vũ Hán. Ảnh: China Daily/Reuters.
|
Ông Pan, ngoài 50 tuổi, được chẩn đoán nhiễm bệnh tuần này. Không muốn
lây bệnh cho vợ con, ông chọn giải pháp đến khu vực cách ly do tổ dân
phố sắp xếp. Tại đó, có khoảng 20 bệnh nhân, mỗi người một phòng. Thức
ăn được đưa đến ba lần một ngày song không có y tá hay bác sĩ, bệnh nhân
phải tự mua thuốc. "Trước đây, y tá có tới vài hôm nhưng rồi không xuất
hiện nữa. Họ nói họ không thể hỗ trợ", Pan kể.
Các chuyên gia cho biết nhiều bệnh nhân viêm phổi Vũ Hán phải về nhà do
cơ sở y tế hết chỗ, khiến số người nhiễm bệnh càng tăng. Theo Zhang
Xiaochun, trưởng khoa Hình ảnh Bệnh viện Trung Nam thuộc Đại học Vũ Hán,
rất ít công dân biết cách tự cách ly hiệu quả.
"Phòng ngừa dịch bệnh là vấn đề sống còn. Chúng ta không thể trông chờ
vào việc người dân tự ở nhà và chăm sóc bản thân", Zhang nói với Beijing News.
Chính phủ Trung Quốc đã tuyên bố dịch bệnh là cuộc chiến của toàn dân và
đã đưa ra các biện pháp như phong tỏa tỉnh Hồ Bắc và xây dựng hai bệnh
viện mới trong chưa đầy 10 ngày. Tuy nhiên, những biện pháp đó không đủ.
Chồng ngày càng yếu hơn, Li không chỉ lo cho sức khỏe bản thân mà còn
thất vọng về cách làm việc của chính quyền. Các bệnh viện yêu cầu cô
phải đặt hẹn thông qua tổ dân phố còn tổ dân phổ trả lời rằng họ chỉ có
thể báo lên cấp cao hơn.
Các quan chức y tế cao cấp của Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống Dịch
bệnh Vũ Hán không trả lời điện thoại của cô. Tất cả những gì Li được
nghe là "hãy chờ đợi".
"Tình hình đang tệ đi rất nhiều. Chồng tôi thậm chí không thể đứng dậy",
Li nói. "Đây là vấn đề sống còn, chúng tôi phải chờ bao lâu nữa".
Liu, 38 tuổi thì ngạc nhiên vì mình nhiễm virus. Anh tập thể dục đều đặn
hơn 10 năm nay. Trước dịp Tết Nguyên đán, nghe lời vợ dặn về dịch cúm,
anh đeo khẩu trang mỗi khi ra ngoài, đôi lúc dùng tận hai cái. Cuối
tháng 1, anh bị ho ra máu suốt bốn ngày và phải vào viện cách ly.
Sau thời gian cách ly và tiêm thuốc, Liu ngừng ho ra máu. Anh hy vọng
được xuất viện sớm nhưng lo lắng cho người bố 68 tuổi cũng đang ở viện
nhưng hồi phục chậm. Ông phải dùng máy thở, chỉ giao tiếp với con trai
qua tin nhắn điện thoại.
Kể cả khi về nhà, Liu cũng không biết gia đình mình có đoàn tụ được
không. Con gái bảy tuổi của anh đang sống với bà còn vợ anh đã đi nơi
khác.
"Chúng tôi phải sống riêng để tránh lây nhiễm chéo. Nhưng chúng tôi nhớ nhau rất nhiều", Liu nói.
Minh Trang (Theo The Guardian)
0 nhận xét :
Đăng nhận xét