Các nhà phê bình phim của The New York Times bình chọn ra 10 bộ phim có sức ảnh hưởng nhất thập kỷ qua, đó là những tác phẩm mà họ nói rằng đã "tạo nên sự khác biệt không chỉ trong giới giải trí mà còn vượt ra bên ngoài".
Bridesmaids (năm 2011)
Bridesmaids là bộ phim hài do đạo diễn Paul Feig thực hiện, với phần kịch bản do Annie Mumolo và Kristen Wiig đảm trách, kể câu chuyện về cô gái có tên Annie, người bị xui xẻo sau khi được bạn thân nhờ làm phụ dâu.
Quy tụ dàn diễn viên gồm Maya Rudolph, Rose Byrne, Wendi McLendon-Covey, Ellie Kemper, Melissa McCarthy, Chris O'Dowd, Bridemaids thu về hơn 26 triệu USD chỉ trong cuối tuần đầu tiên công chiếu.
Đây cũng là bộ phim góp phần đưa tên tuổi nữ diễn viên Melissa McCarthy lên tầm cao mới.
The Avengers (năm 2012)
The Avengers được phát hành sau khi Disney đã mua lại Marvel Studios. Theo The New York Times, bộ phim được xem là một "vụ nổ lớn" trong ngành phim ảnh "khi nó báo trước sự thống trị của vũ trụ điện ảnh Marvel lên nơi tất cả chúng ta hiện đang sống, dù có thích hay không".
Thật vậy, sau The Avengers, vũ trụ điện ảnh Marvel dường như "phủ sóng" phòng chiếu khắp thế giới với hàng loạt phim đình đám sau đó, như Avengers: Age of Ultron,Avengers: Infinity War và Avengers: Endgame.
Đó là chưa kể các phim riêng lẻ về các nhân vật của vũ trụ điện ảnh Marvel đã, đang và sẽ ra mắt. Dường như ai cũng "phải" biết về Marvel, dù có thích phim của Marvel hay không.
Blackfish (năm 2013)
Bộ phim tài liệu của đạo diễn Gabriela Cowperthwaite phơi bày tình trạng bạo hành những con cá voi sát thủ tại công viên giải trí SeaWorld Orlando thuộc bang Florida, Mỹ, đã làm thay đổi quan điểm của công chúng, cũng như hành vi của doanh nghiệp, và kể cả luật pháp.
Sau khi phim ra mắt, nhiều nghệ sĩ đã tuyên bố hủy buổi diễn của họ tại SeaWorld vào năm 2014. Tiếp theo đó, nhiều quy định về phúc lợi cũng như cấm nuôi nhốt cá voi sát thủ cũng được đưa ra bàn luận.
Frozen (năm 2013)
Sức hút của Frozen thì khỏi phải bàn. Khi Elsa cất tiếng hát Let It Go trong bộ phim hoạt hình ca nhạc của Disney này, cô ấy không chỉ khẳng định được sức mạnh của nữ hoàng băng giá mà còn tuyên bố sức mạnh của nữ giới - chủ đề đã trở thành một trong những câu chuyện được bàn đến nhiều nhất trong thập kỷ qua.
Frozen cũng là một trong những bộ phim hoạt hình có doanh thu cao nhất trong lịch sử, với hơn 1,2 tỷ USD.
The Hunger Games: Catching Fire (năm 2013)
Phần thứ hai trong series đình đám đã củng cố vị trí ngôi sao điện ảnh toàn cầu của Jennifer Lawrence, và cũng như Frozen, bộ phim này khẳng định sức mạnh của nữ giới.
Catching Fire cũng là bộ phim có nữ đóng vai chính đầu tiên dẫn đầu thống kê phòng vé nội địa hàng năm trong nhiều năm.
American Sniper (năm 2014)
Bộ phim có đề tài chiến tranh do tài tử Clint Eastwood làm đạo diễn nói về những thăng trầm trong cuộc đời của xạ thủ bắn tỉa Chris Kyle, cựu biệt kích hải quân Mỹ, và cái chết của ông.
American Sniper được ra mắt vào mùa Giáng sinh năm 2014 và nhanh chóng đứng đầu thị trường phòng vé nội địa năm đó.
Star Wars: The Force Awakens (năm 2015)
Là phim khởi xướng bộ ba phim hậu truyện của Star Wars, Star Wars: The Force Awakens cố gắng tái tạo lại năng lượng của ba bộ phim gốc, đồng thời có thêm chỗ cho nữ giới và các nhân vật không phải da trắng.
Moonlight (năm 2016)
Tại lễ trao giải Oscar lần thứ 89, Moonlight đã làm nên lịch sử khi trở thành bộ phim đầu tiên của một đạo diễn người Mỹ gốc Phi giành giải Phim xuất sắc nhất.
Chiến thắng của Moonlight báo hiệu một sự thay đổi trong ngành công nghiệp điện ảnh sau nhiều thập kỷ phân biệt chủng tộc.
Get Out (năm 2017)
Bộ phim kinh dị của đạo diễn Jordan Peele được The New York Times nhận xét là là một bản hòa tấu các thể loại xuất sắc - một làn sóng mới trong thế giới điện ảnh kinh dị.
Phim thu về 255 triệu USD trên toàn thế giới từ ngân sách sản xuất là 4,5 triệu USD, trở thành bộ phim có lợi nhuận cao thứ 10 của năm 2017.
Okja (năm 2017)
Bộ phim của đạo diễn Bong Joon Ho nói về một cô bé và siêu lợn biến đổi gen của em do Netflix sản xuất, đã thực sự là một cú chấn động trong ngành công nghiệp phim ảnh, làm xóa mờ ranh giới giữa màn ảnh lớn và màn ảnh nhỏ.
Khi ra mắt lần đầu tại Liên hoan phim Cannes năm đó, Okja đã gây ra một cuộc tranh cãi về sự xuất hiện của dịch vụ truyền hình trực tuyến Netflix tại nơi được coi là "thánh đường" dành riêng cho phim màn ảnh rộng, cuộc chiến mà mãi đến sau này vẫn còn tiếp tục.
0 nhận xét :
Đăng nhận xét