Đã quá trưa và đang là giờ nghỉ nhưng các bác sĩ, điều dưỡng ở khoa Sản nhiễm trùng (Bệnh viện Phụ sản Hà Nội) vẫn tất bật với công việc của mình. “Bệnh nhân H có lịch mổ chưa”, giọng một nữ bác sĩ cất lên. Câu trả lời dứt khoát ngay sau đó vang lên ở phòng bên cạnh: “Cuối giờ chiều nay. Đợi em chốt dưới phòng mổ và báo trưởng khoa đã”.
Khi nghe vậy chúng tôi cứ nghĩ H là tên của một bệnh nhân nào đó, thế nhưng chúng tôi đã nhầm. Bác sĩ cho biết, bệnh nhân H vừa được gọi là một thai phụ nhiễm HIV, có thai ngoài tử cung cần phải mổ ngay hôm nay. Đó cũng là cách gọi lâu nay của các bác sĩ để thai phụ mắc phải căn bệnh này khi vào đây không bị tổn thương về mặt tinh thần, để họ yên tâm điều trị, theo dõi thai kỳ cho đến lúc mẹ tròn, con vuông.
Chỉ với 32 giường bệnh và nằm ở một vị trí không được “đắc địa” ở tầng 3 bệnh viện, khoa Sản nhiễm trùng được coi là một bệnh viện thu nhỏ khi tập hợp các bệnh nhân ở nhiều khoa khác, mắc các bệnh lý nhiễm trùng đưa về.
Bác sĩ trưởng khoa Lê Thế Vũ nói vui rằng: “Khoa chúng tôi như một nồi lẩu thập cẩm. Nhưng nếu biết bố trí, nồi lẩu đó vẫn hấp dẫn mọi người”. Sở dĩ bác sĩ Vũ nói vậy là vì ở khoa ngoài các bệnh nhân mắc HIV, lậu, giang mai, viêm gan…còn có các bệnh lý phụ khoa bị nhiễm trùng, thậm chí là cả nam khoa đều được tập hợp về đây.
Đã có thâm niên 30 năm công tác tại bệnh viện, 10 năm công tác tại khoa Sản nhiễm trùng, bác sĩ Vũ cho biết lúc đầu khi được phân công về đây bản thân cũng có những lo lắng nhất định, nhưng vì nhiệm vụ anh sẵn sàng nhận. Theo quan điểm của bác sĩ Vũ, nếu ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai.
“Khi đã chọn nghề bác sĩ, cứ đâu có bệnh nhân cần là mình đến thôi. Hơn nữa, nếu cuộc đời làm nghề mà cứ bằng phẳng, trải trên hoa hồng thì chẳng có gì thú vị cả. Phải có những sóng gió, gập gềnh sau này mới có chuyện để kể và mới có kỷ niệm trong nghề”, bác sĩ Vũ chia sẻ.
Mỗi bệnh nhân đến với khoa, ngoài mang thai, đa phần trong cơ thể họ đều có những bệnh lý khác và mỗi người có một quá khứ khác nhau. Thế nhưng, dù họ mắc bệnh gì, quá khứ ra sao, khi đã vào bệnh viện là họ cần đến bác sĩ. Vì thế bác sĩ Vũ cũng như các đồng nghiệp của mình chẳng có sự phân biệt nào.
“Nói các bệnh nhân khoa tôi là đặc biệt cũng không sai, vì họ phải có gì đặc biệt thì mới vào đây. Chính vì đặc biệt như vậy mà khi mổ cho các bệnh nhân không ai giống ai. Nếu không phải là bệnh nhân cấp cứu, thì đa phần họ được mổ vào cuối giờ, ở phòng mổ đặc biệt vì sau mổ phải khử trùng phòng mổ chứ không như những ca mổ thông thường khác. Thậm chí, khi mổ các bệnh nhân này cũng theo cách rất đặc biệt”, bác sĩ Vũ dí dỏm nói.
Với một bác sĩ sản khoa có thâm niên, để nhớ từng ca mà mình thực hiện mổ đẻ là điều không thể, nhưng với những ca bệnh đầu tiên chắc hẳn ít bác sĩ nào có thể quên. Bác sĩ Lê Thế Vũ cũng không phải trường hợp ngoại lệ.
Bác sĩ Vũ vẫn nhớ như in khi được phân công mổ đẻ cho một thai phụ nhiễm HIV cách đây đã gần 30 năm. Khi đó bác sĩ Vũ còn rất trẻ, được phân công mổ cho thai phụ nhiễm HIV. Ban đầu sự căng thẳng thể hiện ra mặt, dù trước đó đã được hướng dẫn đầy đủ mọi quy trình. Thế rồi, em bé cất tiếng khóc chào đời trong vòng tay bác sĩ, biết ca mổ đã thành công người bác sĩ trẻ ngày đó mới thở phào nhẹ nhõm.
Đối với các thai phụ nhiễm HIV, người bác sĩ thực hiện ca mổ phải hết sức cẩn trọng. Các ca mổ thường chỉ vài phút là xong, còn ca mổ cho người nhiễm HIV thời gian tăng lên gấp đôi. Mọi thứ cần diễn ra trong ca mổ phải cẩn thận đến từng chi tiết nhỏ. Điều này không chỉ an toàn cho người bệnh, mà còn đảm bảo an toàn cho chính bác sĩ mổ và đồng nghiệp.
“Thông thường khi mổ đẻ các bác sĩ chỉ đeo 1 đôi găng tay, nhưng chúng tôi phải đeo đến 3 đôi, trong đó có một đôi kéo cao lên tận quá khuỷu tay. Trong phòng mổ, chúng tôi còn phải mặc áo mưa, đeo kính bảo hộ…Thế nên, chúng tôi hay đùa với nhau rằng “trời không mưa mà mặc áo mưa”. Có lẽ ít có bác sĩ sản khoa nào chào đón em bé theo cách đặc biệt như chúng tôi”, bác sĩ Vũ tâm sự.
Đối với các ca mổ đẻ là vậy, còn thai phụ sinh thường, thời gian cần phải nhanh hơn bởi cơn chuyển dạ càng lâu thì tính mạng người mẹ càng bị ảnh hường. Dù vậy, trong quá trình đỡ đẻ các bác sĩ cần phải tỉ mỉ để em bé không bị xây xước, nhằm tránh nguy cơ lây nhiễm từ mẹ sang con.
Lâu nay khi nói đến những người nhiễm HIV mọi người thường kỳ thị, rồi xa lánh và với các thai phụ mắc phải căn bệnh này cũng cùng chung số phận như vậy. Không ít người khi có thai và biết mình mắc căn bệnh thế kỷ đã có ý định dại dột, tìm mọi cách bỏ đứa con từ trong trứng nước.
Bác sĩ Lê Thế Vũ cho rằng, với những thai phụ nhiễm HIV nếu được điều trị đúng phác đồ, tải lượng virus xuống thấp ở ngưỡng an toàn thì em bé khi chào đời hoàn toàn không mắc bệnh. Chính vì thế, ngoài công tác chuyên môn, bác sĩ Vũ cùng các đồng nghiệp của mình còn kiêm luôn vai trò bác sĩ tâm lý, luôn lắng nghe chia sẻ và động viên họ phải có suy nghĩ tích cực, lạc quan.
Qua thực tế làm việc, vị bác sĩ này đã gặp không ít trường hợp nhiễm HIV mang thai đến viện một mình, hoặc có chăng chỉ là những người bạn thân thiết nhất mà họ có thể tin tưởng được. Lúc đó, chính các bác sĩ là chỗ dựa vững chắc nhất để các thai phụ gửi gắm niềm tin.
Ví dụ điển hình là một thai phụ tên Thanh 28 tuổi, vì một chút bồng bột, thiếu suy nghĩ nên đã mắc HIV khi quan hệ ngoài luồng. Khi phát hiện mang thai và chuyển đến viện, cô gái này vô cùng hoảng sợ, lo lắng. Cô giấu chồng và tất cả người thân, tại bệnh viện chỉ có duy nhất một người bạn đến chăm sóc.
Có những đêm một mình nằm viện, Thanh chỉ biết khóc và chịu đựng sự dằn vặt một mình trong căn phòng trống vắng. Biết chuyện, bác sĩ đến an ủi động viên, nhưng cô gái nhất quyết không thông báo cho bất kỳ người thân nào. Khi em bé chào đời, Thanh bế con trong niềm hạnh phúc vô bờ. Được sự động viên của các bác sĩ, người mẹ trẻ đã hứa sẽ bên con, chăm sóc con và cùng con chiến đấu với bệnh tật. Cô nói rằng: “Đó là máu mủ của em nên mẹ con em sẽ sống chết có nhau dù tương lai chưa biết sẽ ra sao”.
Trường hợp khác mà bác sĩ Vũ vẫn còn nhớ mãi, đó là cô gái tên Huệ, là công chức ở tỉnh Quảng Ninh. Tại địa phương, khi có thai đi khám và làm xét nghiệm Huệ mới phát hiện ra mình nhiễm HIV, chính bản thân cô cũng chẳng biết mình lây nhiễm từ đâu. Quá sốc trước thực tế phũ phàng, Huệ lên Hà Nội kiểm tra lại, kết quả vẫn dương tính.
Sợ mọi người dị nghị, Huệ ở lại Hà Nội một mình, tinh thần suy sụp. Đến khi gần sinh, Huệ mới thông báo cho mọi người. May mắn thay trong lúc đau khổ nhất người thân đã đến và ở bên cô, sẵn sàng chào đón em bé chào đời.
Qua lời kể và hỏi chuyện gia đình, bác sĩ Vũ nghĩ nhiều đến nguồn lây nhiễm có thể là do làm móng tay. Vị bác sĩ này chia sẻ, việc xăm mình, làm móng thậm chí là gội đầu, làm đẹp da dù ít những hoàn toàn vẫn có khả năng lây nhiễm HIV. “Mọi người đừng nghĩ cứ nhiễm HIV là người đó chơi bời, sống buông thả vì đôi khi chính họ cũng chỉ là nạn nhân. Vì thế những người xung quanh và nhất là người thân cần phải hiểu điều này để tránh trường hợp xấu nhất xảy ra với thai phụ”, bác sĩ Vũ mong muốn.
Tiếp xúc với nhiều bệnh nhân nhiễm HIV, nhưng điều khó khăn nhất với vị trưởng khoa Sản nhiễm trùng không phải là những ca mổ khó, mà là lúc cầm tờ kết quả xét nghiệm dương tính trên tay để thông báo cho người bệnh. Tận mắt chứng kiến cảnh thai phụ ngất ngay trên giường bệnh khi nghe kết quả, bác sĩ Vũ đau xót đến tột cùng.
Thời gian trôi đi, cú sốc khi nhận kết quả rồi cũng dần nguôi ngoai trong tâm trí mỗi thai phụ nhiễm HIV, bởi hơn ai hết họ cảm nhận được sự lớn lên từng ngày của đứa con trong bụng. Đặc biệt là thời khắc nghe tiếng con cất tiếng khóc chào đời. Khi đó người mẹ nhiễm HIV chẳng có gì khác biệt với những người mẹ bình thường khác.
“Tôi nhận thấy rằng khi họ ôm đứa con vào lòng, tình mẫu tử của những người mẹ nhiễm HIV thiêng liêng lắm. Điều duy nhất làm tôi ám ảnh là bế con trên tay, giọt nước của người làm mẹ đã rơi, nhưng đó là nước mắt hạnh phúc và đau khổ rơi cùng một lúc”, bác sĩ Vũ cảm nhận.
Sau mỗi ca sinh nở được mẹ tròn con vuông, được chứng kiến tình yêu vô bờ bến của người mẹ dành cho con trong phòng bệnh là khoảnh khắc hạnh phúc nhất của bác sĩ Vũ cũng như các đồng nghiệp của mình. Thế nhưng đâu đó vẫn có những cảnh đối lập mà những người chứng kiến buồn đến nao lòng. Đó là những em bé chào đời mà không được bú mẹ ngay bởi đặc thù căn bệnh HIV có thể truyền qua đường sữa mẹ. Bởi vậy, không còn cách nào khác người mẹ phải uống thuốc điều trị nhằm giảm khả năng lây nhiễm HIV sang con.
Khi câu chuyện về những sản phụ nhiễm HIV đang được bác sĩ Vũ kể với nhiều cung bậc cảm xúc đan xen, bỗng chuông điện thoại vang lên, ca mổ cho một cô gái trẻ nhiễm HIV mang thai 6 tuần, chửa ngoài tử cung đang chờ bác sĩ.
Vội vàng đứng dậy và bước ra khỏi căn phòng nhỏ, bác sĩ Vũ chỉ kịp nói với chúng tôi rằng: “Trời chiều nay nắng đẹp vậy mà tôi lại phải mặc áo mưa. Tôi chỉ mong sao điều này không còn nữa, như thế có lẽ niềm vui trong ngày Thầy thuốc Việt Nam sẽ được trọn vẹn hơn”.
0 nhận xét :
Đăng nhận xét