Bộ luật Lao động năm 2019 (hiệu lực từ ngày 1/1/2021) có nhiều quy định mới về việc trả lương cho người lao động.
Thứ nhất, người sử dụng lao động trả lương cho người lao động căn cứ tiền lương đã thỏa thuận, năng suất lao động và chất lượng thực hiện công việc. Như vậy, khi người lao động đã bỏ sức lao động để mang lại giá trị cao cho người sử dụng lao động, họ phải nhận được lương tương ứng với những gì đã mang lại. Ngược lại, người lao động không mang lại hiệu quả cao, tiền lương sẽ thấp.
Thứ hai, tiền lương ghi trong hợp đồng lao động và tiền lương trả cho người lao động bằng tiền đồng Việt Nam, trường hợp người lao động là người nước ngoài tại Việt Nam có thể bằng ngoại tệ.
Thứ ba, mỗi lần trả lương, người sử dụng lao động phải thông báo bảng kê trả lương cho người lao động, trong đó ghi rõ tiền lương, tiền lương làm thêm giờ, tiền lương làm việc vào ban đêm, nội dung và số tiền bị khấu trừ (nếu có).
Thứ tư, trường hợp trả lương qua tài khoản cá nhân của người lao động được mở tại ngân hàng thì người sử dụng lao động phải trả các loại phí liên quan đến việc mở tài khoản và chuyển tiền lương
So với Bộ luật Lao động năm 2012, đây là 4 quy định mới tại Bộ luật Lao động năm 2019. Bộ luật mới quy định người sử dụng lao động phải trả các loại phí liên quan việc mở tài khoản và chuyển tiền lương (có lợi cho người lao động). Bộ luật Lao động năm 2012 chỉ quy định khi trả lương qua tài khoản ngân hàng, người sử dụng lao động phải thỏa thuận với người lao động về các loại phí liên quan việc mở, duy trì tài khoản.
Luật sư Phạm Thanh Hữu
0 nhận xét :
Đăng nhận xét