TTO - Đêm ở Sa Pa, mưa rét, sương mù phủ kín, nhiệt độ giảm xuống 2 độ C, những đứa trẻ người Mông run rẩy bám theo khách bán đồ lưu niệm.
Chính quyền thị xã Sa Pa kêu gọi du khách không cho tiền, không mua hàng của trẻ bán hàng rong. Những đứa trẻ này đang bị bố mẹ chúng ép phải đi bán hàng trong giá rét - Clip: VŨ TUẤN
Chính quyền thị xã Sa Pa (Lào Cai) khuyến cáo khách du lịch không cho tiền, không mua hàng của trẻ em nhưng những đứa trẻ vùng cao vẫn bị đẩy ra đường bán hàng trong giá rét.
Sau nhiều ngày cán bộ đội kiểm tra trật tự đô thị UBND phường Sa Pa (thị xã Sa Pa, Lào Cai) phát loa kêu gọi du khách không cho tiền, không mua hàng của trẻ em, nhiều đứa trẻ ở Sa Pa vẫn bị bố mẹ đẩy ra đường mưu sinh.
Đêm ở Sa Pa, mưa rét, sương mù phủ kín, nhiệt độ giảm xuống 2 độ C, những đứa trẻ người Mông run rẩy bám theo khách bán đồ lưu niệm.
Ông Ngọc Ánh - đội kiểm tra trật tự đô thị Sa Pa - cho hay khi tổ công tác kêu gọi, nhiều người đã không cho con em mình đi bán rong nữa, tuy nhiên ở thị xã vẫn còn một nhóm chuyên chèo kéo du khách.
Theo đó, những người bố mẹ đưa trẻ đến thị xã rồi canh chừng một chỗ, để trẻ địu em đi bán hàng nhằm lấy lòng thương hại của du khách.
Nhóm trẻ này đeo bám, chèo kéo khách du lịch mua hàng. Nếu một em bán được hàng, lập tức 4, 5 em khác xúm lại bao vây. Có nhóm khách bị vây, phiền quá chạy, bị đuổi theo đến tận cầu thang khách sạn.
"Chúng tôi đã xử lý rất nhiều, nhiều lần đưa trẻ về Trung tâm bảo trợ xã hội, nhưng sáng đưa ra thì chiều chúng trèo tường trốn mất. Tối đã thấy chúng bán hàng ngoài phố" - ông Ánh nói.
Du khách Trần Thịnh, từ TP.HCM đến Sa Pa, cho biết nhìn các em nhỏ mưu sinh trong giá rét không khỏi mủi lòng.
"Nếu làm từ thiện thì tôi có thể làm từ thiện ở nhiều nơi, nhiều chỗ chứ không chỉ một vài trường hợp thế này. Bố mẹ chúng để chúng bán hàng thế này thực sự tôi cảm thấy lòng tốt của mình đang bị lợi dụng", anh Thịnh nói.
Bà Hoàng Thị Vượng, trưởng Phòng văn hóa - thông tin thị xã Sa Pa, cho hay chính quyền thị xã đã vào cuộc nhằm giảm thiểu tình trạng chèo kéo khách du lịch từ hàng chục năm nay nhưng chưa thực sự hiệu quả.
Theo bà Vượng, hiện nay chính quyền thị xã đã thực hiện một kế hoạch dài hạn. Trong đó, điểm mấu chốt là tạo điều kiện để chính đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận với cách làm kinh tế văn minh.
"Chúng tôi đang tập hợp nguyện vọng của từng hộ dân. Hộ nào muốn bán hàng chúng tôi sẽ bố trí địa điểm, hướng dẫn kỹ năng. Hộ nào muốn phát triển nghề dệt thổ cẩm, thủ công mỹ nghệ, dịch vụ du lịch... chúng tôi xây dựng chính sách để hỗ trợ" - bà Vượng nói.
0 nhận xét :
Đăng nhận xét