Ở Hà Nội, có những địa bàn dân cư cả chục ngàn dân nhưng không có một khu thể thao, vui chơi đúng nghĩa. Thế nhưng, nhiều công viên bị xà xẻo không thương tiếc. Có nơi bị cho thuê với giá bằng cốc trà đá.
Bãi xe, sân bóng tràn lan trên đất sử dụng tạm Công viên thể thao, cây xanh quận Hà Đông
Công viên Tuổi trẻ Thủ đô (phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng) được quy hoạch thành khu công viên vui chơi với diện tích hơn 26ha. Thế nhưng, do buông lỏng quản lý thời gian dài, khu công viên bị băm xẻ thành nhiều điểm kinh doanh dịch vụ, tiệc cưới, nhà hàng, trông xe tự phát… Một số bãi xe hoạt động từ lâu, việc trông giữ xe khiến xe cộ đi lại thường xuyên trong công viên, người lớn tuổi, trẻ em không dám đi vào công viên tập thể dục do có thời điểm xe đi đông hơn ngoài đường.
Công viên cũng từng có các điểm vui chơi trong nhà và ngoài trời. Giờ thì những máng trượt nước, bể bơi ngoài trời, vòng quay mặt trời trên cao, xích đu, nhà bóng… đều trở thành “phế tích”.
“Xót xa” cũng là những gì người dân nói về gần 100 ha đất “hoang” tại Dự án Công viên thể thao cây xanh quận Hà Đông. Mặc dù đã có 52,8ha được giải phóng mặt bằng (GPMB), nhưng đến nay, dự án vẫn giậm chân tại chỗ và bị khai thác sai mục đích.
Mọi việc xuất phát từ đề xuất của UBND quận Hà Đông về phương án quản lý khai thác, sử dụng tạm thời đối với diện tích đất đã GPMB thuộc khu đất quy hoạch xây dựng Công viên thể thao, cây xanh quận Hà Đông. Việc sử dụng tạm thời dựa trên nguyên tắc đảm bảo mục đích phục vụ hoạt động thể dục thể thao, không xây dựng công trình kiên cố, xây dựng công trình cấp 4, chiều cao 1 tầng…
Theo ghi nhận của PV Tiền Phong, hiện nay trên dự án công viên cây xanh la liệt nhà hàng, nhà xưởng, kho bãi: sân bóng Thắng Lợi, nhà hàng Rơm Vàng, gara ô tô Hoàn Sơn, Tre Viên quán, nhà hàng TUKIBAR… Năm 2017, UBND quận Hà Đông quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các công trình vi phạm và buộc phải tháo dỡ công trình kiên cố, nhưng đến nay, loạt công trình vẫn tồn tại.
Phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy có hàng nghìn mét vuông Dự án Câu lạc bộ thể thao và vui chơi giải trí Yên Hòa xây dựng sai phép, sử dụng đất sai mục đích. Dự án được UBND thành phố Hà Nội thu hồi 3.321,3m2, giao cho Cty Cổ phần Dịch vụ và Giải trí Tân Sáng (Cty Tân Sáng) thuê để thực hiện Dự án Câu lạc bộ thể thao và vui chơi giải trí Yên Hòa. UBND quận Cầu Giấy, phường Yên Hòa có trách nhiệm thường xuyên kiểm tra việc sử dụng đất, xây dựng công trình của Cty Tân Sáng; kịp thời phát hiện, xử lý những vi phạm theo thẩm quyền, báo cáo UBND thành phố. Bốn năm trôi qua, người dân quanh khu vực chưa được sử dụng dịch vụ vui chơi giải trí gì mà chủ đầu tư làm nhà hàng cà phê, sân tập golf cho riêng khách hàng của họ.
Khi được hỏi về việc quản lý khu đất này, lãnh đạo phường Yên Hòa, lãnh đạo quận Cầu Giấy tránh né câu trả lời.
Kiểm tra, xử lý sai phạm
Ông Lê Hoàng Đức, Chủ tịch UBND phường Thanh Nhàn, cho biết, thời gian qua, phường Thanh Nhàn liên tục phải đi kiểm tra xử lý vi phạm trật tự xây dựng (TTXD) trong “điểm nóng” công viên Tuổi trẻ Thủ đô. Mới đây nhất, công an quận phối hợp công an phường cơ bản giải tỏa được 3 bãi xe không phép tồn tại lâu năm trong công viên. “Chúng tôi đã cho lắp barrie, tuyên truyền người dân không cho xe ô tô ra vào. Tuy nhiên, nhu cầu của người dân về chỗ đỗ xe là có nên việc quản lý hết sức khó khăn”, lãnh đạo phường Thanh Nhàn nói.
Đại diện UBND quận Hai Bà Trưng cho biết, điểm khó nhất trong quản lý ở công viên Tuổi trẻ Thủ đô là chưa có đầu mối quản lý. Trước đây, UBND thành phố Hà Nội yêu cầu Cty TNHH MTV Đầu tư và dịch vụ Tuổi trẻ Hà Nội bàn giao cho Cty TNHH MTV Cây xanh Hà Nội quản lý. Tuy nhiên, Cty Cây xanh không nhận bàn giao mà chỉ nhận phần chăm sóc cây xanh ở đây. Do đó, công viên rơi vào tình trạng “cha chung không ai khóc”. “Quận đang kiến nghị UBND thành phố giao lại cho UBND phường Thanh Nhàn quản lý công viên. Như vậy sẽ có cơ sở để thực hiện quản lý tốt hơn”, lãnh đạo quận nói.
Nhiều cán bộ lãnh đạo Thanh tra xây dựng quận Hai Bà Trưng, UBND phường Thanh Nhàn qua các thời kỳ đã bị kiểm điểm do để xảy ra sai phạm TTXD tại công viên Tuổi trẻ Thủ đô. Tương tự, tại Công viên thể thao cây xanh quận Hà Đông, đại diện UBND phường Hà Cầu cho biết, hầu như cán bộ Thanh tra xây dựng 2 phường Hà Cầu, Kiến Hưng (địa bàn quản lý công viên) đều đã bị kiểm điểm, kỷ luật vì những vi phạm TTXD tại đây.
Trao đổi với PV Tiền Phong, lãnh đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất quận Hà Đông nói: “Hiện giá theo hợp đồng tại công viên Hà Đông là 1 – 1,2 tỷ đồng/năm cho hơn 30ha đất”. Như vậy, mỗi mét vuông đất “vàng” quận Hà Đông đang được thuê giá 5.000 đồng/m2/năm tương đương giá cốc trà đá vỉa hè.
Bình luận & Góp ý
0 nhận xét :
Đăng nhận xét