Hôm 5.3, hơn 600 sĩ quan cảnh sát ở Myanmar bất ngờ tuyên bố phản đối chính quyền quân sự và đứng về phe người biểu tình. Hành động của những cảnh sát trên được người biểu tình phản đối đảo chính ở Myanmar ca ngợi và cho rằng họ vừa giành được “chiến thắng bước đầu”.
Hơn 600 cảnh sát ở Myanmar tuyên bố phản đối chính quyền quân sự, trong khi nhiều cảnh sát khác vượt biên trốn sang Ấn Độ (ảnh: Irrawaddy)
Số lượng cảnh sát từ chức ở Myanmar đã tăng mạnh kể từ sau những cuộc biểu tình của người dân diễn ra hồi cuối tháng 2.
Trong số những cảnh sát từ chức, hơn 600 người đã tuyên bố phản đối chính quyền quân sự của Thống tướng Min Aung Hlaing và tham gia phong trào biểu tình trên đường phố.
“Tôi không muốn phục vụ cho chính quyền quân sự nữa. Tôi sẽ tham gia biểu tình”, Tin Min Tun – cựu thiếu tá cảnh sát – đăng lên Facebook.
“Chính quyền quân sự chưa ra lệnh xử lý những cảnh sát tham gia biểu tình. Chỉ huy đang yêu cầu chúng tôi quay lại hàng ngũ và nhiệm vụ”, một cảnh sát Myanmar vừa từ chức nói.
“Tôi không thể chịu đựng thêm nữa. Tôi chọn việc rời đi. Ít nhất thì họ cũng mất đi một người cảnh sát đắc lực từng thẳng tay đàn áp người biểu tình”, một cảnh sát giấu tên nói.
Một số cảnh sát nói rằng họ vẫn giữ súng sau khi từ chức và đề nghị Quốc hội Myanmar thành lập lực lượng vũ trang để chống lại chính quyền quân sự. Trong số những cảnh sát đứng về phía người biểu tình, không ít người có chức vụ cao và từng giành nhiều giải thưởng trước khi nghỉ việc.
Hành động phản đối chính quyền quân sự của hơn 600 cảnh sát nhận được sự tôn trọng của nhiều người dân Myanmar. Người biểu tình cho rằng nỗ lực của họ đã bước đầu làm lay động lòng người.
Tuy nhiên hôm 5.3, nhiều vụ đụng độ giữa cảnh sát với người biểu tình vẫn xảy ra ở nhiều thành phố lớn ở Myanmar, khiến ít nhất 1 người thiệt mạng.
Người biểu tình phản đối đảo chính ở thành phố Mandalay (ảnh: Irrawaddy)
Hàng nghìn người đã tuần hành ôn hòa ở thành phố Mandalay để kêu gọi Thống tướng Min Aung Hlaing trao trả quyền lực.
“Thời kỳ đồ đá đã qua rồi. Chúng tôi không sợ hãi trước sự đe dọa của các người”, đám đông hô vang.
Tình hình sau đó trở nên hỗn loạn và một người đàn ông bị cảnh sát Mandalay bắn trúng cổ họng tử vong.
Cùng ngày 5.3, Liên Hợp Quốc tuyên bố ông Kyaw Moe Tun vẫn là Đại sứ của Myanmar tại tổ chức này, bất chấp sự phản đối của chính quyền quân sự.
Trước đó, ông Kyaw Moe Tun kêu gọi cộng đồng quốc tế dùng mọi biện pháp để lật ngược vụ đảo chính ở Myanmar. Hành động của Kyaw Moe bị chính quyền quân sự Myanmar coi là “phản quốc” và tuyên bố cách chức ông.
Nguồn: http://danviet.vn/dao-chinh-o-myanmar-hon-600-canh-sat-bat-ngo-doi-phe-50202163098332.htm
0 nhận xét :
Đăng nhận xét