Ốc Thanh Vân lần đầu tiết lộ chuyện tai nạn của mình trên sân khấu.
Tối qua (8/12), tập 15 chương trình Ký ức vui vẻ đã lên sóng, với nhiều tiết mục hấp dẫn. Trong chương trình tuần này, các khách mời được gợi nhớ ký ức về món nước đá cách đây hàng chục năm.
MC Lại Văn Sâm phản bác Chí Trung
Khi được nhắc về món nước đá, nghệ sĩ ưu tú Quang Thắng nhớ lại: “Ở miền Nam đã có nước đá từ lâu rồi, còn miền Bắc phải sau năm 1975 mới có tủ lạnh để đá.
Lúc đó, người miền Bắc mới bắt đầu làm kem từ những cục đá trong tủ, cắm đũa và đổ phẩm màu vào. Tôi nhớ hồi đó cầm được cái kem ấy là vinh dự lắm.
Nhà nào bố mẹ có tiền thì đưa con ra quán mậu dịch để mua cho một cốc siro đá. Trà đá thì đến sau này mới phát triển.
Tuổi thơ của tôi gắn liền với nhà máy đá Việt Hoa ngay trên đường Lạch Tray ở Hải Phòng. Họ làm đá thành cây dài to bằng cả cái tủ, người thợ phải cầm móc đập vào đá mới khênh được lên xe ba gác rồi chở đi khắp thành phố”.
Nghệ sĩ ưu tú Chí Trung tiếp lời: “Chính xác là sau 1975 mới du nhập trà đá vào Hà Nội chứ trước đó chỉ chè chén vì Hà Nội mùa đông lạnh, và cũng không có tủ lạnh để đá. Nhà tôi có tủ đá nên hàng ngày bán đá làm từ cái tủ đó”.
MC Lại Văn Sâm nghe vậy liền phản bác: “Anh Chí Trung nói sai rồi, trước đó đã có nước đá. Năm 1974, 1975 tôi học ở Thanh Xuân mà mỗi lần vào trung tâm, được uống một cốc sen dừa đá trên đường Phan Bội Châu là cực kỳ ngon.
Tôi thì không dám mua nhưng các anh có tiền mời nên mỗi lần được uống là thích lắm.”
Ốc Thanh Vân: “Sao Tự Long lại gay gắt với tôi như thế nhỉ?”
Riêng Ốc Thanh Vân lại có một nỗi bức xúc nhẹ với món nước đá ngoài Bắc. Cô nói:
“Tôi có một khát khao, là liệu các quán nước ở Hà Nội có thể cho người mua nhiều đá hơn không? Ở Sài Gòn cho quá nhiều đá, một cốc cà phê chỉ có chút cà phê, còn lại là đá. Hà Nội thì cà phê đá chỉ có một hai cục nhỏ nhỏ thôi.
Tôi uống nước còn nóng mà cho vào có một hai cục đá cảm thấy không ngon, chỗ nóng chỗ lạnh, không đều vị trong miệng.
Tôi ra Hà Nội, dù uống nước gì đều thấy ít đá nên bảo cho thêm cục đá nữa, họ cho đúng thêm hai cục rồi thôi”.
MC Anh Tuấn tiếp lời Ốc Thanh Vân: “Người Sài Gòn uống nhiều đá. Tôi ở ngoài Bắc không uống đá nhiều nhưng có đợt vào Sài Gòn làm chương trình thì đi đâu cũng uống trà đá nên nghiện đá đến tận bây giờ.
Nhiều lúc tôi cầm một cốc toàn đá, không có nước, vẫn ngồi gặm rồi nhâm nhi hết được. Chắc thói quen ăn đá này chỉ có ở miền Nam”.
NSND Tự Long nghe vậy liền phản bác bằng cách nói lớn đầy ẩn ý: “Trẻ con ngày xưa ở miền Bắc cũng hay mút đá, ngậm đá chứ không riêng gì miền Nam.
Ngày xưa đá phải đi mua nên tôi rất tiết kiệm, mua về đập nhỏ ra cho ngay vào trong phích, bọc vào bao tải, mỗi lần ăn lấy ra một cục nhỏ cho vào mồm. Chứ không sẵn đá để xin như bây giờ đâu”.
Ốc Thanh Vân biết NSND Tự Long nhắm đến mình liền thốt lên: “Sao Tự Long lại gay gắt với tôi như thế nhỉ? Giống như tôi xin đá là gây tội vậy”.
Quán bán nước đá ngày xưa
NSND Hồng Vân: “12 tuổi tôi đã giàu rồi”
NSND Hồng Vân cũng tranh thủ kể câu chuyện của mình từ thưở nhỏ. Cô nói:
“Tôi nhớ hồi tôi còn nhỏ có mốt uống nước chanh, nước cam chỉ bằng bột màu và hương liệu.
Hồi đó, bố mẹ không bao giờ cho tôi tiền, nhưng tôi càng lớn lại càng có nhu cầu dùng tiền. Nhà tôi có một cái tủ lạnh.
Bao giờ tôi cũng lấy bột màu pha vào nước, đổ hương liệu, cho vào từng bao nilong bỏ vào tủ lạnh rồi bán cho trẻ con hàng xóm. Tiền bán cái đó gấp 4,5 lần tiền bán đá của mẹ tôi, nên 12 tuổi tôi đã giàu rồi, có tiền riêng, giàu lắm”.
Ốc Thanh Vân: “Người đàn ông ấy đá mạnh vào người tôi, văng xa 2 mét, đau lắm”
Ốc Thanh Vân cũng nhớ chuyện mình gặp tai nạn vì nước đá. Cô nói: “Nhắc tới đá, tôi mới chợt nhớ tới một câu chuyện tai nạn không thể quên được trên sân khấu.
Hồi đó tôi diễn vở Người vợ ma bên sân khấu kịch của chị Hồng Vân. Thời kỳ đầu vở này rất đông khách nên tôi luôn phải nghĩ cách tạo ấn tượng với khán giả.
Tôi đóng vai ma, nhưng không xuất hiện trên sân khấu như mọi người nghĩ mà đi từ khán đài lên cho bất ngờ.
Trước đó, lúc nào tôi cũng ướp tay vào 1 thùng đầy đá, chịu đựng tới mức tay mình tê cứng để lạnh buốt đi. Sau đó tôi lén chụp vào tay một khán giả để họ la toáng lên.
Tôi cứ làm thế đến một ngày, tôi chụp phải một người đàn ông cao to lực lưỡng. Người đàn ông ấy đá mạnh vào người tôi, văng xa 2 mét, đau lắm. Tôi đau mà không dám trách người đàn ông đó. Tôi bỏ luôn không làm trò đó nữa”.
theo trí thức trẻ
0 nhận xét :
Đăng nhận xét