Chiến thắng đậm trước Indonesia để duy trì đỉnh bảng G mang lại cảm giác phấn chấn, nhưng sắp tới mới là thời điểm Việt Nam phải chứng tỏ đẳng cấp thống trị ở Đông Nam Á.
Nếu xem Thái Lan, Việt Nam, Indonesia, Singapore và Malaysia là các đội tuyển mạnh nhất Đông Nam Á trong vòng 20 năm qua, thì tỷ số 4-0 trong một trận đấu cụ thể, ở một giải đấu chính thức trên sân Al Maktoum vừa qua là cách biệt lớn nhất mà đội tuyển Việt Nam tạo ra trước các đối thủ cùng đẳng cấp kể trên. Một chiến thắng như vậy, rất đáng để dành những lời chúc mừng cho thầy trò Park Hang-seo.
Nhưng có một thực tế cần được nhìn nhận rõ ràng trước khi đẩy những lời tung hô đi quá xa bản chất sự việc. Vị trí của Việt Nam hiện nay, chính là thay thế cho Thái Lan ở giai đoạn hai vòng loại World Cup 2018 - khu vực châu Á. Tại kỳ vòng loại đó, Thái Lan là đội bóng Đông Nam Á duy nhất kết thúc với một trong hai vị trí đầu bảng. Tất cả đại diện còn lại của khu vực, đều chẳng có cơ hội tranh vé vớt. Bây giờ, nhiều khả năng diễn biến đó sẽ lặp lại, tức là cũng chỉ có một đội Đông Nam Á duy nhất có chỗ đứng ở một trong hai vị trí đầu các bảng.
Những trận thua đến tối tăm mặt mũi, kiểu như 0-10 của Myanmar trước Nhật Bản, 0-5 của Singapore trước Uzbekista, 0-4 của Malaysia trước UAE cho thấy bóng đá Đông Nam Á đang dậm chân, thậm chí thụt lùi so với bản thân. Trận hòa 2-2 của Thái Lan trước Indonesia hôm 3/6 rõ ràng đã không phải là tai nạn, khi họ bị đánh bại hoàn toàn trước UAE với tỷ số 3-1 chỉ bốn ngày sau đó. Những kết quả đó cho thấy không phải Indonesia tiến bộ, mà Thái Lan đã chẳng còn ở vị thế của đội bóng số một khu vực.
Vị thế đó, chắc chắn đang thuộc về Việt Nam. Chiến thắng 4-0 trước Indonesia cũng đưa đội bóng dưới trướng HLV Park lên một đẳng cấp khác biệt. Mô tả ngắn gọn: Indonesia bị bóp nghẹt một cách chậm rãi đến mức không còn biết phải làm gì trước đối thủ. Chỉ mới chừng bốn-năm năm trước, họ còn khiến Việt Nam khóc hận ở AFF Cup 2016 và SEA Games 2017.
Chênh lệch về đẳng cấp giữa Việt Nam và Indonesia có lẽ nằm ở hai chi tiết: 15 quả phạt góc của Việt Nam và bốn bàn thắng được khởi phát hoặc kết thúc từ khoảng cách xa. Trong bóng đá đỉnh cao, có rất nhiều cách để chỉ ra sự khác nhau về đẳng cấp giữa hai đội bóng, nhưng cách dễ nhìn thấy nhất, đó là đội có đẳng cấp cao hơn thông thường sẽ chỉ giải quyết trận đấu bằng một chọn lựa chiến thuật duy nhất. Nghĩa là một khi đã mạnh hơn, thì không cần đến phương án B, phương án C... mà cứ áp đặt một đấu pháp ngay từ đầu, duy trì một cách đều đặn, buộc đối phương phải tự hủy hoại sức chiến đấu và thua trận.
Ngay từ đầu trận, Tuấn Anh đã bắt demi-volley tầm xa như đại bác khiến thủ môn Indonesia phải gồng mình cản phá. Đầu hiệp hai, Xuân Trường, người thay Tuấn Anh, cũng thực hiện quả tương tự, bóng đi bật xà ngang. Cũng ở đúng vị trí đó, Quang Hải lập siêu phẩm sút xa để nâng tỷ số lên 2-0. Trong ba bàn thắng còn lại, Công Phượng ghi bàn từ pha đá phạt góc, còn hai bàn của Tiến Linh và Văn Thanh là phần kết thúc của một pha tấn công được khởi phát từ bên phần sân nhà và chỉ cần một đường chuyền vượt tuyến có khoảng cách lên đến hơn 30 mét của Hồng Duy và Xuân Trường. Như vậy, bốn bàn và 90%cơ hội nguy hiểm khác của Việt Nam đều là kết quả gián tiếp hay trực tiếp của lối chơi bóng dài đạt đến mức độ chính xác khó tin.
Khác biệt của đẳng cấp nằm ở chi tiết đó. Bóng đá Việt Nam, và phần lớn làng cầu Đông Nam Á có thời gian dài ưa chuộng kiểu phối hợp nhỏ, thể hiện kỹ thuật cá nhân và phù hợp với yếu tố nhỏ con, nhanh nhẹn về thể hình. Nhưng lối đá đó không thể thay đổi được đẳng cấp cho các làng cầu nhỏ bé. Thái Lan trở thành số một khu vực nhờ họ chơi hiện đại, đơn giản hơn. Và bây giờ, đội bóng của HLV Park đã ở một tầm vóc như vậy. Việt Nam có thể duy trì suốt 90 phút một cách chơi, tập trung trọn vẹn trận đấu, không để đối phương phá hủy nó, dù họ đã dùng đến biện pháp tệ hại nhất là chơi thô bạo.
Thống kê trận đấu phần nào chỉ ra khác biệt này. Việt Nam làm chủ hoàn toàn trận đấu, nhưng nếu đi vào chi tiết thời gian giữ bóng, tỷ lệ chỉ là 43%. Nói cách khác, cầu thủ Việt Nam không giữ bóng mà luân chuyển liên tục, không lao vào cướp bóng vội vã để tránh va chạm. Thay vào đó, họ pressing khu vực, không để đối phương triển khai bóng lên. 15 quả phạt góc cũng là kết quả của các tình huống có bóng là sút ngay thay vì rê dắt đi sâu vào vùng cấm tìm cách ghi bàn như trước đây. Chính vì thế, số pha đá phạt của Việt Nam trong toàn trận cũng chỉ ngang với số lần phạt góc, cho dù Indoneia đá rất rát.
Tại World Cup 2018, Pháp lên ngôi bằng triết lý đó. Họ chỉ kiểm soát bóng trung bình 48% trong toàn giải. Pháp đứng thứ 25 trong số 32 đội về số bàn ghi được trong vùng cấm, đứng thứ năm từ dưới lên về số đường chuyền và tổng quảng đường di chuyển trong thi đấu. Họ cũng chỉ sút trung bình sáu cú mỗi trận, ít thứ hai tại giải. Sự đơn giản ấy chính là đẳng cấp, và cũng là một phép so sánh có phần tương đối về lối chơi hiện tại mà đội tuyển Việt Nam đang theo đuổi.
Nhưng cũng phải thừa nhận một thực tế: Indonesia yếu nhất bảng, còn bóng đá Đông Nam Á đang sa sút. Chiến thắng hoành tráng trước Indonesia, tóm lại cũng chỉ có ý nghĩa ba điểm để giữ ngôi đầu, chứ thực tế hai trận đấu quyết định còn ở phía trước trong bối cảnh Việt Nam sẽ vắng Quang Hải, và có thể cả Tuấn Anh - những cầu thủ có đẳng cấp cao nhất hiện nay. Chiến thắng trước Indonesia có thể vô nghĩa nếu Việt Nam không thắng hai trận còn lại.
Rõ ràng, có đẳng cấp là một chuyện, còn khẳng định giá trị của nó thì phải ở những trận cầu không thể thua sắp tới.
0 nhận xét :
Đăng nhận xét