Trên đầu chủ nhân ngôi mộ này đeo ba tầng ngọc, mặt đeo chiếc mặt nạ ngọc tinh xảo khác thường. Toàn thân đầy ngọc. Chỉ tính riêng trong quan tài cũng đã có hơn 720 ngọc khí và hơn 2000 trang sức vàng bạc, đồ đồng xanh.
Quang cảnh nơi phát hiện ra mộ cổ thời Tây Chu
Tại thành phố Tam Môn Hiệp, Hà Nam, Trung Quốc, năm 1990, một người nông dân trong khi xây nhà đã phát hiện ra ngôi mộ cổ. Càng đào sâu xuống lòng đất, anh càng phát hiện ra rất nhiều ngọc bội tinh xảo.
Người nông dân này muốn đem ngọc bội bỏ túi. Sau đó không lâu, thông tin lan truyền khắp thôn, hầu như những người dân trong thôn đều muốn đến đây tìm ngọc bội.
Theo Ban Bảo vệ Văn hóa, đội khảo cổ Hà Nam dưới sự phối hợp của công an đã nhanh chóng đến hiện trường. Sau khi bố phòng cẩn mật, họ bắt đầu tiến hành khai quật.
Sau một thời gian thăm dò, các chuyên gia xác định đây là ngôi mộ cổ khó tin thời Tây Chu. Thân phận của chủ nhân ngôi mộ càng phi phàm, có khả năng là vua nước chư hầu thời kỳ Tây Chu.
Một trong những hiện vật được tìm thấy trong lăng mộ
Tuy nhiên, điều khiến các chuyên gia ngạc nhiên là đào sâu đến hơn 10 mét, quan tài của lăng mộ lớn này vẫn chưa xuất hiện.
Các nhà khảo cổ lại tiếp tục đào ngày đào đêm, suốt gần hai tháng, chân dung chủ nhân ngôi mộ lớn này cuối cùng cũng đã hiện ra trước mắt.
Đây là huyệt mộ hình chữ nhật thẳng đứng, dài gần 6m, rộng hơn 4m, sâu hơn 15m. Điều hiếm thấy là, xung quanh lăng mộ này không phát hiện thấy dấu vết “trộm mộ”, cho thấy lăng mộ được bảo tồn một cách hoàn hảo, kẻ trộm mộ vẫn chưa “sờ” đến. Xem ra, một kỳ tích khảo cổ sẽ được sinh ra từ đây.
Đồ tùy táng đủ loại dày đặc trong mộ thất
Vào trong mộ thất, có thể thấy ken đặc những đồ tùy táng đủ loại, đến mức hoa mắt. Lúc này, các chuyên gia liên tưởng đến nước Quắc, một trong những nước chư hầu thời Tây Chu. Căn cứ theo ghi chép lịch sử thì đúng là kinh đô của nước Quắc hơn 3.000 năm trước ở khu vực phụ cận Tam Hiệp Môn.
Nước Quắc không hề tầm thường mà là một chư hầu quan trọng vào đầu thời Tây Chu. Sau khi tiêu diệt nhà Thương, Chu Vũ Vương phong hai người thúc của mình là Quắc Trọng và Quắc Thúc làm quốc vương của nước Tây Quắc và Đông Quắc, cùng nhau bảo vệ thiên triều nhà Chu từ Đông sang Tây.
Sau này, thực lực Tây Chu suy yếu, nên phải di chuyển đến Tam Môn Hiệp, lịch sử gọi là nước Nam Quắc. Đến năm 655 TCN, nước Tấn mang quân diệt Quắc.
Trở lại chủ đề chính, các nhà khảo cổ sau khi dọn dẹp tỉ mỉ, thành quả đem lại có thể nói là mĩ mãn.
Trong mộ thất có tới hơn 120 đồ đồng xanh. Có nhiều căn cứ cho thấy đây có thể là mộ của quốc vương nước Quắc khi đó. Sau khi làm sạch đồ đồng này, các nhà khảo cổ phán đoán chủ nhân ngôi mộ thời Tây Chu này là Quắc Trọng.
Nhân vật lịch sử này được ghi chép rất rõ ràng trong “Sử ký”. Theo “Chu bản kỷ”, Quắc Trọng là vị vua sáng lập nước Nam Quắc, từng phò tá Chu Lệ Vương, có thể nói là quyền lực cực lớn.
Rất nhiều ngọc khí trong quan tài
Sau khi khảo sát kỹ toàn bộ mộ thất, các chuyên gia cẩn thận mở quan tài của chủ nhân lăng mộ. Thi thể Quắc Trọng được bao bọc trong một tấm nỉ rất lớn. Mở tấm nỉ ra, một lượng ngọc nhiều chưa từng thấy. Trên đầu Quắc Trọng đeo ba tầng ngọc. Mặt đeo chiếc mặt nạ ngọc tinh xảo khác thường. Toàn thân đầy các loại ngọc khí. Chỉ tính riêng trong quan tài này cũng đã có hơn 720 ngọc khí.
Hầu hết trong số đó là ngọc bích Tân Cương chất lượng tốt. Điều đó cho thấy thời Chu đã có tiếp xúc với Tây vực. Ngoài ra trong lăng mộ còn có hơn 2000 đồ trang sức vàng bạc và đồ đồng xanh.
Một trong những ngọc khí trong mộ thất
Điều này gần như là không thể tưởng tượng được đối với giới khảo cổ thời điểm đó. Vì vậy, lăng mộ Tam Môn Hiệp được coi là một trong những phát hiện khảo cổ lớn nhất của thế kỷ 20.
Các chuyên gia cho rằng, căn cứ theo tài liệu hiện có và kết quả khảo sát, ngoài lăng mộ của Quắc Trọng còn có hơn 500 mộ của quý tộc nước Quắc. Từ đó có thể khẳng định, việc phát hiện ra những lăng mộ này một lần nữa chứng tỏ rằng triều đại nhà Chu lúc bấy giờ đã rất phát triển.
Nguồn: http://danviet.vn/chuyen-nong-dan-tq-phat-hien-mo-co-hoa-mat-vi-ben-trong-la-hang-nghin-mon-vang...
0 nhận xét :
Đăng nhận xét