Nói lời sau cùng Nguyễn Thái Luyện không nhận tội trong khi các đồng phạm cho rằng bản thân vì không hiểu biết luật pháp nên vô tình giúp sức cho Luyện.
Trưa 22-12, phiên xét xử bị cáo Nguyễn Thái Luyện (cựu Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Alibaba) và 22 đồng phạm kết thúc phần tranh tụng, các bị cáo được nói lời sau cùng.
Trước toà, Nguyễn Thái Luyện không nhận tội. Bị cáo nói bản thân không lừa đảo và đến nay chưa khách hàng nào bị mất tiền. Luyện nêu mục đích thành lập công ty để giúp khách hàng an cư và có cơ hội đầu tư tốt nhất. Bị cáo còn nhắc lại chuyện trong các năm 2017, 2018, 2019 từng nhiều lần làm việc với cơ quan chức năng nhưng "không có vấn đề gì". Từ đó, bị cáo có thêm tự tin thực hiện tiếp việc kinh doanh của mình.
"Quá trình này, tôi có nói với khách hàng là nếu phát hiện ai mất tiền thì sẽ trả thêm 100% số tiền đó, người nào giới thiệu tới sẽ thưởng thêm 100%. Nhưng chưa bao giờ xảy ra trường hợp này hết. Đến thời điểm hiện tại số đất của công ty tôi phải gấp đôi số đất mà khách hàng muốn nhận. Nên nếu giải quyết theo hướng dân sự, không hình sự hoá thì cũng đảm bảo không ai bị mất tiền mà họ còn được nhận quyền lợi tốt hơn".
"Sự việc xảy ra để chính bản thân tôi và các bị cáo ngồi đây thật sự rất đau lòng, tôi không chối bỏ vấn đề dân sự và tôi bảo đảm với số tiền đó thì không ai phải bị thiệt, ngay cả có rủi ro thanh lý 1 triệu đồng/m2 thì phải có hơn 4.300 tỉ đồng, giá trị tài sản này hoàn toàn đủ để đảm bảo" - Nguyễn Thái Luyện nói thêm.
Bị cáo Nguyễn Thái Luyện nói lời sau cùng.
Bị cáo Luyện cũng nói dù quan điểm của HĐXX như thế nào thì những bị cáo khác trong vụ án cũng chỉ vì quá tin tưởng Luyện mà ra ngày hôm nay.
"Họ cũng chỉ tin tưởng vào những lập luận của tôi là giúp khách hàng an cư và đầu tư, mong muốn tạo công ăn việc làm cho những người khác mà thôi. Họ tin tưởng tôi quá mà dẫn đến ngày hôm nay phải vướng lao lý" - Luyện nói.
Bị cáo này khẳng định sẽ nhận hết trách nhiệm về mặt dân sự, do đó mong HĐXX xem xét ý thức chủ quan của đồng phạm để giảm nhẹ mức hình phạt cho họ.
Lần lượt nói lời sau cùng, các đồng phạm của Nguyễn Thái Luyện liên tục khóc cho rằng bản thân không có ý thức lừa đảo, không hiểu biết nhiều về pháp luật, đồng thời cũng là bị hại khi số tiền đầu tư vào các dự án của Công ty Alibaba nhiều hơn rất nhiều so với số tiền lương được nhận trong thời gian làm việc tại đây. Các bị cáo dốc hết tài sản của cha mẹ, họ hàng vào đầu tư để đẩy chính gia đình mình vào cảnh khó khăn, khánh kiệt.
Các bị cáo thừa nhận hành vi như VKSND TP HCM truy tố nhưng khẳng định với vai trò là người làm công ăn lương, họ bị lệ thuộc và chỉ làm theo chỉ đạo của cấp trên, vô tình giúp sức cho Nguyễn Thái Luyện thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của mình.
Các bị cáo bày tỏ đau xót khi từ những người là trụ cột kinh tế cho gia đình là trở thành gánh nặng cho gia đình. Cùng với đó, gửi lời xin lỗi đến khách hàng của mình.
Nguồn: https://nld.com.vn/phap-luat/cuu-ceo-alibaba-nhan-tra-2400-ti-dong-mong-dong-pham-duoc-xu-nhe-20...
Trong phần tự bào chữa, nhiều bị cáo bật khóc cho rằng chỉ làm theo chỉ đạo của Nguyễn Thái Luyện, không biết là đang đi lừa đảo…
0 nhận xét :
Đăng nhận xét