Nghệ nhân Nguyễn Thị Lâm là một trong số những nghệ nhân giữ được bí quyết nấu mâm cỗ truyền thống. Nhiều khách du lịch tìm về địa chỉ nhà cô chỉ để được thưởng thức một bữa ăn mang hương vị truyền thống Hà Nội xưa.
Mâm cỗ Hà Nội xưa - Gìn giữ hương vị ẩm thực
Nấu mâm cỗ tuy không khó nhưng không hề dễ dàng. Trước khi trở thành nghệ nhân ẩm thực, cô Nguyễn Thị Lâm vốn là con dâu Hà Nội. Là tiểu thư của một gia đình khá giả ở phố cổ, sau này lại làm dâu trong gia đình có truyền thống, văn hoá xưa nên những giá trị tinh tuý của ẩm thực được bà tiếp nhận, gìn giữ và phát triển. Qua bàn tay bà Lâm, những nguyên liệu tưởng chừng đơn giản nhất, bình dị nhất cũng trở thành món ăn cầu kỳ, ngon miệng hơn trên mâm cơm.
Nghệ nhân Nguyễn Thị Lâm
Với bà, nấu ăn đã trở thành một niềm đam mê bất tận. Căn bếp trở thành sân khấu nơi người nghệ nhân trình diễn những buổi biểu diễn của mình. Bà kể, những món ăn truyền thống trên mâm cỗ thường phải chuẩn bị nấu nướng rất cầu kỳ, nguyên liệu có thể dùng từ những loại bình dị, gần gũi với đời sống hằng ngày nhưng nhất định phải tươi mới. Có những nguyên lệu đặc biệt, cần phải đặt mua ở những vùng nguyên liệu tươi thì mới có thể nấu ra mâm cỗ chất lượng. Trong những bữa cơm hàng ngày, bà vẫn thường đích thân xuống bếp chuẩn bị những mâm cơm theo phong cách truyền thống cho cả gia đình. Với bà, đó là cách để giữ gìn truyền thống và để con cháu tiếp nối những giá trị tốt đẹp của dân tộc.
Bà Lâm chia sẻ: "Các món ăn trong bữa cơm cổ truyền rất cầu kỳ nhưng tinh tế. Phải thật sự để tâm vào những món ăn, thổi hồn cho các nguyên liệu mới có thể làm ra món ăn có hương vị ấn tượng khiến người ta ăn một lần khó quên".
Những món ăn tưởng chừng đơn giản nhưng lại được chế biến rất cầu kỳ
Với những ai đã từng được thưởng thức bữa cơm truyền thống do chính bà Lâm chuẩn bị chắc chắn không thể quên được hương vị vừa giản dị, vừa quen thuộc gần gũi nhưng cũng rất đậm đà. Mỗi món ăn đều mang một hương vị riêng chuẩn mực mà hiếm có nhà hàng, quán ăn nào có thể chế biến đạt đúng độ "ngon" ấy. Bà kể, trong mâm cỗ xưa, những nguyên liệu tưởng đơn giản như muối, đường, nước mắm,…nếu biết tỷ lệ chuẩn và lựa chọn phù hợp cho từng món ăn sẽ làm nên hương vị rất đậm đà.
Mâm cỗ thắp hương truyền thống có gì?
Theo bà Lâm, trong quan niệm của người làng Bát Tràng, mâm cỗ thường được gọi là cỗ bát trân gồm có 6 bát và 8 đĩa thể hiện mong cầu tài lộc, thịnh vượng cho gia chủ. Với những tầng lớp gia đình bình dân, trong mâm cỗ thường có 4 bát và 4 đĩa thể hiện sự cảm tạ tứ phương và trời đất.
Trên mâm cỗ truyền thống, những món ăn quen thuộc lúc nào cũng có như xôi, gà luộc, nem, thịt luộc,… Các món xào có thể linh hoạt thay đổi theo mùa và theo khẩu vị của gia đình. Đặc biệt, với người làng Bát Tràng không thể thiếu món canh măng trong mâm cỗ. Nghệ nhân chia sẻ: "Canh măng đặc biệt phải có bí quyết riêng để làm mới đảm bảo thơm ngon được, chẳng hạn như việc luộc măng bằng nước mưa mới giúp nước canh trong vắt mà vẫn giữ được vị ngọt".
Mâm cỗ còn thể hiện tâm ý người chuẩn bị
Nem cũng là món phổ biến nhưng lại đòi hỏi người nấu chuẩn bị đầy đủ nguyên liệu và cầu kỳ trong chế biến. Bí quyết để chiếc nem được giòn rụm, phần nhân không ngấm dầu đó là các phần củ quả sau khi bào không được trộn tươi với phần nhân mà phải chần qua với nước sôi, sau đó mang đi vắt kiệt nước rồi mới mang đi trộn. Hay như món xào, món giò chả cũng đòi hỏi phải thật sự để tâm, yêu thích hương vị với từng món ăn mới có thể làm cho ngon, cho đúng được.
Trên mâm cỗ xưa mà bà Lâm chuẩn bị, nhiều người ấn tượng nhất với hương vị món xôi vò nức tiếng mà cô nấu. Hạt nếp được bà chắt chiu lựa chọn loại hảo hạng nhất, ngâm với nước trong thời gian kỹ khi đồ lên canh chuẩn thời gian mới cho ra từng nắm xôi dẻo, mềm. Đặc biệt, xôi vò bà Lâm có một hương thơm nhẹ nhàng nhưng đầy hấp dẫn, như gợi cho người ta về ký ức của Hà Nội những ngày bao cấp, những gói xôi nắm cơm vừng là niềm hạnh phúc nhỏ bé.
Món canh măng đặc trưng
Một điều mà bà Lâm rất trăn trở là một mai sau sẽ không còn người nối dõi gìn giữ tinh tuý hương vị mâm cỗ truyền thống. Vì vậy, trong những ngày thường, bà truyền dạy lại cho con cái trong nhà cách chế biến, cách bày biện. Bà sẵn sàng bỏ ra 3 tiếng để làm bát chim hầm, bên trong chú chim nhồi đầy ắp cốm mùa thu, hạt sen, nấm hương, ý dĩ thơm phức hay sẵn sàng dành 6 tiếng quấy không ngơi tay được nồi chè kho thơm lừng, để đến 15 hôm vẫn không hỏng.
Chính vì cái nhẫn nại, cái khéo léo ấy mà chẳng người con nào có thể quên đi được hương vị hấp dẫn của những món ăn quê hương. Với bà Lâm, mâm cỗ là mâm cơm, bữa ăn hàng ngày, nhưng cũng là mâm cơm đoàn viên, đoàn tụ người thân. Trên mâm cơm là tinh tuý ẩm thực, cũng chính là hồn cốt quê hương mong muốn con cháu gìn giữ về sau.
Nguồn: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/den-lang-bat-trang-nghe-nguoi-nghe-nhan-huong-dan-cach-lam-cac...
Dưới đây là cách nấu nồi thịt bò mật mía kho thơm giòn ngọt ăn lai rai ngày Tết. Món ăn truyền thống trong bữa cơm Tết này có vị thơm và cay của gừng, quế hoà cùng độ dai...
0 nhận xét :
Đăng nhận xét