Theo các chuyên gia, 2023 tiếp tục là một năm khó khăn đối với điện ảnh Việt. Khán giả nghiêm khắc với phim nội địa. Giới làm phim cũng kỹ tính khi lựa chọn dự án để đầu tư.
Điện ảnh Việt trải qua một năm 2022 đầy khó khăn. Số lượng phim bùng nổ song chất lượng giảm sút khiến doanh thu của loạt tác phẩm điện ảnh nội địa kém khả quan. 28/38 dự án phim lỗ và lỗ nặng trong năm qua. Em và Trịnh là phim Việt duy nhất cán mốc trên 100 tỷ đồng doanh thu.
Bức tranh phòng vé 2022 ảm đạm khiến cho đạo diễn, nhà sản xuất trăn trở. Giới chuyên gia, khán giả lo ngại nền điện ảnh non trẻ của Việt Nam vừa mới vụt sáng trong hai năm 2019 và 2020 đã bị kéo thụt lùi trong những năm kế tiếp.
Trao đổi với Zing, giới làm phim trong nước nhận định 2023 tiếp tục là quãng thời gian khó khăn đối với đạo diễn, nhà sản xuất. Ngành điện ảnh Việt ít có cơ hội khởi sắc cả về chất và lượng. Khán giả cũng sẽ nghiêm khắc và cân nhắc khi bỏ tiền mua vé xem phim nội địa. Vì thế, các nhà làm phim sẽ cẩn trọng, cân nhắc khi lựa chọn dự án để đầu tư, sản xuất.
2023 - năm khó khăn của điện ảnh Việt
Sau một năm bùng nổ về số lượng phim phát hành (38 phim ra mắt trong năm 2022), đến 2023, các dự án dự kiến công chiếu sẽ giảm. Trước mắt, đường đua phim Tết là cuộc đấu giữa Nhà bà Nữ (đạo diễn Trấn Thành) và Chị chị em em 2 (đạo diễn Vũ Ngọc Đãng). Trong năm 2023, một số phim điện ảnh dự kiến phát hành bao gồm Móng vuốt, Mặt nạ Fanti, Hoa hồng đen, Tết ở làng địa ngục.
Song song, nhiều dự án lớn của điện ảnh Việt từng bị trì hoãn nhiều năm do dịch bệnh tiếp tục giai đoạn sản xuất trong năm 2023. Đáng chú ý nhất là Đất rừng phương Nam (chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Đoàn Giỏi). Phim được đạo diễn Nguyễn Quang Dũng ấp ủ, chuẩn bị trong 5 năm. Đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn là cố vấn sản xuất và viết kịch bản cùng Trần Khánh Hoàng. Phim khai máy từ ngày đầu tháng 12/2022 và quay nhiều đại cảnh tại An Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp, Trà Vinh...
Phim Công tử Bạc Liêu của Lý Minh Thắng casting vào tháng 9/2022. Ngoài ra, dự án phim Người đẹp Tây Đô cũng đang giai đoạn làm kịch bản.
Nhìn nhận về dữ liệu kể trên, nhà sản xuất Hằng Trịnh cho biết sau sự thất thu về phòng vé của nhiều tác phẩm được đầu tư hàng chục tỷ đồng trong năm 2022, giới làm phim sẽ chùn tay hơn khi bỏ số tiền lớn để sản xuất. Họ cũng sẽ cẩn thận hơn khi lựa chọn đề tài, câu chuyện, thể loại và diễn viên cho phim của mình.
"Với các dự án đã nhen nhóm hoặc đang sản xuất hiện tại, tôi cho rằng điện ảnh Việt sẽ có một số bộ phim cổ trang, dựa vào một nhân vật, sự kiện nào đó trong quá khứ, đây là một nhóm phim cần nhiều sự đầu tư hơn. Ngoài ra, các thể loại phim sẽ bắt đầu đa dạng hơn, khai thác nhiều đề tài gai góc, thông điệp sâu sắc hơn. Tôi nghĩ rằng đây là hướng đi tốt nếu các nhà sản xuất nghiêm túc ghi nhận phản hồi của khán giả trong thời gian vừa qua", chị cho biết.
Đồng quan điểm, đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn chia sẻ nhìn chung, ngành điện ảnh trong nước khó có cơ hội khởi sắc trong năm 2023 cả về chất và lượng. Hầu hết dự án đã hoặc đang trong quá trình sản xuất đều là các tên tuổi cũ, khán giả hiểu rõ và có lẽ không kỳ vọng nhiều vào sự đột phá nào. Ngoài dự án Đất rừng phương Nam, không có phim nào được đánh giá cao, theo nam đạo diễn.
"Chưa bao giờ ở Việt Nam mà các nhà sản xuất không chùn tay mỗi khi làm các dự án lớn cả, nên dù ở năm nào đi nữa thì số lượng phim kinh phí cao cũng rất ít. Chủ yếu vẫn là những phim kinh phí trung bình. Kinh phí thấp chỉ dễ gọi đủ vốn đầu tư hơn thôi chứ cũng chẳng đảm bảo được thu hồi vốn", anh nhấn mạnh.
Điện ảnh Việt quá nhiều lỗ hổng
Theo nhà sản xuất Nam Cito, điện ảnh nước nhà hiện tại để lộ nhiều lỗ hổng và cần một khoảng nghỉ đề hồi phục. Đầu tiên, thị trường phim đang khan hiếm cả diễn viên nữ và nam. Nhà sản xuất không có nhiều lựa chọn diễn viên, dẫn đến tình trạng nhiều gương mặt điện ảnh lặp đi lặp lại trong nhiều dự án. Kết quả, khán giả giảm mong đợi, sự quan tâm đúng mức đối với phim trong nước.
Ngoài ra, sau đại dịch, thói quen và nhu cầu thưởng thức phim của khán giả tại rạp đã thay đổi chóng mặt. Những phim phát hành trong năm 2022 hầu hết được sản xuất trước và trong thời gian dịch Covid-19, do vậy không theo kịp nhu cầu, thị hiếu của công chúng.
"Trong giai đoạn tiếp theo, các nhà sản xuất cần chú ý hơn về nội dung, đa dạng thể loại, tìm kiếm những gương mặt diễn viên mới, tăng chi phí sản xuất để nâng cao chất lượng của dự án thì mới tạo ra được sản phẩm thu hút khán giả. Chúng ta không thể sản xuất các dự án kinh phí thấp, nội dung đơn giản ít tiền để giữ an toàn", anh nói.
Yếu tố được đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn nhắc đến là sự khó khăn của giới làm phim khi huy động nguồn vốn để đầu tư, sản xuất khi nền kinh tế vĩ mô ảm đạm cho tới quý 3. Trong bối cảnh đó, những khoản chi tiêu không quá thiết yếu đối với mỗi cá nhân sẽ bị cắt giảm.
Thu nhập giảm sút khiến khán giả sẽ do dự khi chi số tiền không nhỏ để mua vé xem phim ngoài rạp. Thay vào đó, công chúng sẽ tìm đến những dịch vụ giải trí khác như xem phim trên nền tảng trực tuyến, web xem phim lậu…
"Nên chú ý là khán giả hiện nay chủ yếu là gen Z và trẻ hơn nữa. Nhu cầu thẩm mỹ và giải trí của họ cao hơn thế hệ trước khá nhiều vì được tiếp cận với mặt bằng giải trí quốc tế từ rất sớm. Tư duy làm phim như của Việt Nam từ trước đến nay sẽ khó tạo được thiện cảm với họ. Ngay cả một phim như Thanh Sói còn không có kết quả khả quan thì có thể thấy khán giả trẻ hiện nay yêu cầu rất cao", anh phân tích.
Nhà sản xuất Hằng Trịnh cho rằng những khó khăn đối với điện ảnh Việt trong năm 2023 còn mạnh gấp nhiều lần so với năm 2022. Khán giả cũng chọn lọc, kỹ tính hơn với phim nội địa. Điều này vừa là thách thức nhưng cũng là thời cơ đối với nhà làm phim. Các đạo diễn, nhà sản xuất đến lúc nhìn lại khán giả mục tiêu, nhu cầu của họ, cũng như tìm thêm các thị trường mới để giảm thiểu rủi ro về mặt doanh thu khi phát hành tác phẩm.
Giải pháp
Đối diện với nguy cơ có thể sụp đổ nền điện ảnh thương mại vừa mới khởi sắc, chuyên gia Nguyễn Phong Việt cho rằng điều cốt lỗi nhất để vực dậy phim Việt là chất lượng tác phẩm.
"Tôi tin rằng sự đa dạng về thể loại phim là cần thiết với thị trường. Tuy nhiên, trong lúc chúng ta chưa thể làm ra những tác phẩm hoành tráng, chỉ cần các nhà sản xuất và đạo diễn làm tốt những câu chuyện nhỏ bé, phù hợp với văn hóa Việt và khơi gợi cảm xúc, có thông điệp là đủ", anh nói.
Theo nhìn nhận của anh Nguyễn Phong Việt, trong năm 2023, xu hướng phim có kinh phí thấp về đề tài gia đình, rom-com và kinh dị sẽ phổ biến. Đây là những thể loại phim có mức đầu tư thấp, khả năng thu hồi vốn cao nếu chất lượng tốt. Số lượng phim có mức đầu tư cao hàng chục tỷ đồng sẽ giảm bớt trong năm tới.
Bàn về giải pháp cấp bách đối với điện ảnh nội địa, đạo diễn Hữu Tuấn nói giới làm phim không nên bỏ tiền vào những dự án có kịch bản yếu kém.
"Việc mỗi nhà sản xuất quyết định đưa kịch bản nào vào sản xuất thì phụ thuộc vào trình độ thẩm mỹ riêng của mỗi cá nhân, chẳng ai can thiệp được. Nếu như có độ vênh về thẩm mỹ giữa nhà sản xuất và khán giả thì rất khó cho bộ phim. Hy vọng một ngày nào đó, nguồn vốn đầu tư cho phim Việt sẽ đi đến đúng chỗ, đúng phim", anh chia sẻ.
Cuối cùng, nhà sản xuất Nam Cito hy vọng nhiều phim có chất lượng tốt trong năm 2023 sẽ ra mắt, đủ khả năng lôi kéo khán giả ra rạp. Anh cũng mong muốn nhà phát hành, nhà rạp hỗ trợ về marketing, suất chiếu đối với phim trong nước.
"Phải có sự đồng lòng và chung tay góp sức thì mới vực dậy được điện ảnh Việt trong 2023 và những năm tới", Nam Cito chốt lại.
Tủ sách Điện ảnh - Truyền hình giới thiệu những cuốn sách hay và mới nhất về nền công nghiệp điện ảnh, công nghệ truyền hình của Việt Nam cũng như thế giới. Ngoài ra, tủ sách còn giới thiệu các tác phẩm đáng đọc về các bộ phim, diễn viên, MC... nổi tiếng ở Việt Nam và thế giới
0 nhận xét :
Đăng nhận xét