Nhiều người dù mới chỉ bắt đầu mối quan hệ đã dễ dãi nhắn tin, trao gửi clip, hình ảnh nhạy cảm để rồi khổ sở, mất thời gian, tiền bạc khi bị trở mặt.
Ngày 15-2, Công an TP HCM cho biết đang tạm giam Võ Văn Hùng (SN 1989, quê Quảng Trị) về tội "Cưỡng đoạt tài sản". Hùng được xác định dùng clip nhạy cảm để tống tiền chị N.T.S (SN 1978, quốc tịch Mỹ) khiến chị này khổ sở trong thời gian dài.
"Vợ chồng" trên không gian mạng
Do thiếu thốn tình cảm và muốn khuây khỏa nỗi buồn, chị S. thường lang thang trên mạng xã hội kết bạn nói chuyện. Một ngày cuối năm 2020, chị gặp và quen biết với Hùng qua Facebook. Nhiều lần nhắn tin qua lại, cảm thấy Hùng là người đàn ông ngọt ngào, dễ mến, chị mạnh dạn kết bạn Zalo để cả hai nói chuyện dễ dàng bằng hình thức gọi video.
Một thời gian sau đó, họ đi xa hơn tình bạn và sống cuộc sống như "vợ chồng" trên không gian mạng.
Những lần cả hai kết nối, Hùng bí mật lưu giữ hết, từ những tin nhắn, giọng nói tới hình ảnh và clip nhạy cảm của chị S. Đến tháng 1-2021, do thiếu tiền tiêu xài, Hùng gửi những dữ liệu trên cho "vợ" rồi ép buộc chuyển tiền. Hùng dọa nếu trái lời sẽ phát tán những dữ liệu ấy cho bạn bè của chị S. và tung lên mạng xã hội. Do lo sợ nên chị S. thực hiện theo yêu cầu, chuyển khoản hơn 100 lần cho Hùng với số tiền trên 1,4 tỉ đồng và 16.000 USD.
Đến ngày 1-2, "chồng" trên mạng tiếp tục yêu cầu "vợ" chuyển số tiền 30 triệu đồng và về Việt Nam để quan hệ tình dục. Chiều cùng ngày, Hùng bay từ Quảng Trị vào TP HCM gặp chị S. nhận tiền ở một quán cà phê tại quận Gò Vấp thì bị công an bắt quả tang.
Một câu chuyện khác. Cũng quen qua mạng, chị H. đã dễ dàng bị La Văn Hợp (SN 1994, quê Nghệ An) tống tiền hàng chục triệu đồng.
Theo lời khai của chị H., năm 2021 chị biết Hợp qua mạng xã hội. Khi đó, Hợp sử dụng tài khoản mang tên T.Đ.P chủ động làm quen, tâm sự. Quá trình trò chuyện, giữa hai người phát sinh quan hệ tình cảm và trao đổi một số hình ảnh nhạy cảm.
Đến năm 2022, do cần tiền tiêu xài nên Hợp nhiều lần nhắn tin, gọi điện đốc thúc chị H. "bơm tiền" cho mình, nếu không sẽ tung hình ảnh nhạy cảm của chị lên mạng. Lo sợ bị đồng nghiệp, người thân, bạn bè biết chuyện, chị H. đã nhiều lần chuyển cho người từng "rất đáng tin" này số tiền hàng chục triệu đồng.
Vì chịu không nổi những lời đe dọa tiếp theo, chị H. đã nhờ công an can thiệp, bắt giữ Hợp về hành vi cưỡng đoạt tài sản.
Theo tìm hiểu, tình huống các chàng trai, quý ông, quý bà… bị nhiều đối tượng lạ tống tiền khi dễ dàng nhắn tin với nội dung mùi mẫn kèm theo những hình ảnh nhạy cảm không còn là chuyện hiếm trong thời gian gần đây. Có người cắn răng làm theo yêu sách của đối tượng, có người không chịu đựng nổi mới nhờ công an can thiệp.
Võ Văn Hùng bị bắt khi tống tiền người tình
Đối phó với sự đe dọa
Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thị Thu Thủy, nguyên Phó chánh Tòa Hình sự TAND TP HCM, nhìn nhận ngày nay mạng xã hội bùng nổ. Điều ấy có tác dụng tích cực khi giúp nhiều người có thêm bạn mới, những ai độc thân dễ dàng tìm được mối tình đích thực sau thời gian tìm hiểu. Ở chiều tiêu cực, không ít chị em cô đơn bị rơi vào chiếc bẫy của những kẻ xấu, có ý đồ tống tiền. Không ít vụ án khi họ tố cáo thì cũng đã mất một số tiền khá lớn, ngoài ra, còn mất nhiều thời gian cùng với sự mệt mỏi và lo sợ.
Theo bà Thủy, các quý bà, quý cô, quý ông phải hết sức cẩn thận khi làm quen trên mạng. Bên cạnh nói chuyện trong sáng thì cũng cần tìm hiểu thật kỹ người mình muốn quen như gia đình, nhà cửa, nghề nghiệp của họ ra sao.
Nếu lỡ dại trao clip, hình ảnh nhạy cảm và bị tống tiền thì không nên đáp ứng nhu cầu của kẻ tống tiền. "Khi bị tống tiền thì chụp lại những tin nhắn, ghi âm cuộc gọi tống tiền gửi đến cơ quan chức năng có thẩm quyền nhờ can thiệp. Cơ quan chuyên môn sẽ có trách nhiệm giúp đỡ người tố cáo để hướng dẫn họ gỡ rối sự việc và có thể bắt kẻ tống tiền nếu đầy đủ bằng chứng" - bà Thủy đưa ra lời khuyên.
Luật sư Lưu Tấn Anh Toàn, Giám đốc Công ty Luật Lưu Vũ, nhận xét nạn nhân các vụ tống tiền phần lớn có đời sống phóng khoáng, dễ dàng gửi hình ảnh nhạy cảm của bản thân cho người chỉ mới quen biết trên mạng xã hội. Sự dễ dãi này rất đáng lo ngại cho không chỉ bản thân nạn nhân mà còn gia đình họ nữa.
Về cách đối phó, luật sư Lưu Tấn Anh Toàn chung quan điểm không đáp ứng yêu sách của tội phạm. Theo đó, khi bị tống tiền, nạn nhân cần đến cơ quan công an nơi mình sinh sống hoặc nơi kẻ đó cư trú (nếu biết). Đơn tố cáo có thể gửi đến công an, VKSND kèm theo các chứng cứ.
"Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, cơ quan điều tra trong phạm vi trách nhiệm của mình phải kiểm tra, xác minh nguồn tin và quyết định khởi tố hoặc quyết định không khởi tố vụ án hình sự. Thời hạn điều tra vụ án hình sự không quá 2 tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng, không quá 3 tháng đối với tội phạm nghiêm trọng, không quá 4 tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng kể từ khi khởi tố vụ án cho đến khi kết thúc điều tra" - luật sư Lưu Tấn Anh Toàn dẫn quy định pháp luật.
Có thể "bóc 20 cuốn lịch" Điều 170 Bộ Luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 về tội "Cưỡng đoạt tài sản" quy định: Người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm. Bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm nếu có tính chất chuyên nghiệp, phạm tội với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mang thai, người già; số tiền chiếm đoạt từ 50 triệu đến 200 triệu đồng. Chiếm đoạt từ 200 triệu đến dưới 500 triệu đồng có thể bị phạt từ 7 đến 15 năm tù. Chiếm đoạt tài sản trên 500 triệu đồng có thể lãnh án lên đến 20 năm tù. |
0 nhận xét :
Đăng nhận xét