Xuất gia từ năm lên 10 tuổi và hiện đang nghiên cứu sinh Chuyên ngành Ngôn Ngữ Anh ở Trường ĐH MCU - Thái Lan, sư Giác Minh Luật là một trong số ít những nhà sư có góc nhìn và cách tiếp cận đầy mới mẻ tới giới trẻ hiện nay.
Nếu thường xuyên lướt TikTok và các trang MXH, không khó để nhiều người ngay cả khi không có tôn giáo là Phật Giáo biết đến nhà sư Giác Minh Luật. Câu chuyện những nhà sư sử dụng bằng những công cụ hiện đại như Facebook, YouTube và TikTok không hiếm, nhưng đưa các câu nói trendy, hiện đại, ngôn ngữ giới trẻ vào bài giảng thì sư Giác Minh Luật gần như là một trong những người tiên phong.
Ở lần gặp gỡ này, sư Giác Minh Luật ngoài nói về câu chuyện "Phật Giáo dấn thân" của mình, những người trẻ, đặc biệt là các bạn Gen Z hoàn toàn có thể tìm thấy những khúc mắc bấy lâu của bản thân. Chẳng hạn như: Tham vọng, sự nghiệp, tình yêu trên ứng dụng hẹn hò... dưới góc nhìn của một nhà sư thì sẽ như thế nào.
Biết đâu, đó sẽ là kim chỉ nang dẫn đường cho bạn trong năm 2023 thì sao?
Sư Giác Minh Luật nói về "tham vọng" của người trẻ: Nhiều người mua vé số xong tham vọng sau 4 giờ chiều sẽ đổi đời
Việc sư bước vào con đường chánh đạo là do sư lựa chọn hay chủ đích của gia đình?
Có một kỷ niệm là khi sư còn nhỏ, trong lớp học cô giáo hỏi các bạn ước mơ sau này lớn lên sẽ làm gì? Đứa thì trả lời là bác sĩ, đứa thì kỹ sư, có đứa còn làm cả phi hành gia. Riêng mình trả lời là sẽ trở thành ông thầy tu, khi đó cô và cả lớp ai cũng rất bất ngờ. Bởi bản thân mình đã có ý nghĩ đó từ rất sớm, niềm ao ước đó nó phát triển một cách rất tự nhiên trong tâm thức của mình.
Cũng nhờ vậy mà con đường xuất gia của mình xuất phát từ khi mình còn là đứa trẻ nhỏ. Trong Phật giáo thì gọi đó là “túc duyên nhiều đời”, nên mình nghĩ có thể cũng đúng, chắc đâu đó mình đã có duyên với Phật trong vô lượng kiếp.
Mình rất tâm đắc lời dạy của Thiền Sư Thích Nhất Hạnh: Nếu là một bác sĩ hãy là một bác sĩ có hạnh phúc. Nếu là một kỹ sư hãy là một kỹ sư có hạnh phúc. Nếu là một nhà giáo thì hãy là một nhà giáo hạnh phúc. Nếu là một lao công quét đường thì hãy là một người quét đường có hạnh phúc. Và nếu đã là một ông thầy tu thì hãy là ông thầy tu có hạnh phúc.
Lúc đó một đứa trẻ 10 tuổi, phải xa mẹ để đến nơi hoàn toàn xa lạ. Mẹ của sư lúc đó như thế nào?
Mẹ rất buồn, lúc đó mẹ khóc, mẹ một mực không cho, tại mẹ sợ nếu đi không trọn thì sẽ mặc cảm với hàng xóm xung quanh. Nhưng sau thời gian dài nhìn thấy sự quyết tâm của mình quá mạnh mẽ, mẹ đã quyết định chấp nhận. Còn nhớ, lúc đó mình đã lạy tạ mẹ ba lạy ân sinh dưỡng để từ biệt lần cuối trước lúc rời xa gia đình “xuất gia nhập đạo”, mẹ ôm mình khóc rất nhiều, mẹ dặn: Nếu đã đi thì con phải đi trọn con đường, lúc đó mình có hứa với mẹ. Nhờ vậy mà sau này con đường tu học có gian nan, thử thách, khó nhọc cách mấy mình cũng cố gắng dễ dàng vượt qua.
Có một số nhận định cho rằng tu ở chùa khó hơn rất nhiều so với việc tu tập tại gia. Là một người xuất gia, theo sư lý do vì sao?
Khó vì mình là con người với nhiều thói quen hay Phật giáo gọi là “tập khí” quá nhiều ở ngoài xã hội. Vậy nên khi bước vào cửa thiền, mọi cách thức như: tụng niệm, sinh hoạt, ăn uống, ngủ nghỉ, đi lại và rất nhiều quy tắc, luật lệ khác của người xuất gia trong đại chúng bắt buộc mình phải theo. Vì vậỵ, nếu đi tu từ nhỏ được thì đỡ, vì đã quen dần mọi thứ. Chẳng hạn khi các bạn ở nhà, mình có thể 7-8 giờ dậy ăn sáng rồi đi làm, tối thì mình thức tới 12 giờ 1 giờ, mình muốn ăn thì ăn không ai cấm đoán. Còn ở trong chùa thì khác, mọi thứ đều phải theo thầy, theo huynh-đệ trong tinh thần cùng học, cùng tu để nhờ năng lượng yểm trợ, nhắc nhở của mọi người mà giúp mình vượt qua được những thói quen đời khi xưa.
Nếu mình là người tu trẻ, thì mình phải đi học, không chỉ một còn rất nhiều thứ trong đạo lẫn đời. Như mình cũng như các bạn phải tốt nghiệp phổ thông. Song song mình còn phải học Sơ cấp Phật học, Trung cấp Phật học, Cử nhân Phật học và cao hơn nữa là Thạc sĩ, Tiến sĩ. Ngoài ra mình cũng đi học thêm nhiều về kỹ năng tiếng Anh, tiếng Hoa, thiết kế, đồ họa, phần mềm, báo chí và những kỹ năng khác. Nếu đã xác định sau này đi phụng sự xã hội, phụng sự cuộc đời thì bắt buộc phải giỏi. Áp lực không chỉ bên trong cửa chùa mà còn áp lực cho hành trang tương lai của mình. Cho nên người không có sức nhẫn nại sẽ rất dễ từ bỏ, phóng túng, dễ liều. Và đánh mất đi chí nguyện xuất gia ban đầu.
Mình thấy con đường xuất gia vẫn tốt, nếu chúng ta muốn lựa chọn một hướng đi riêng không quá nặng nề về chuyện cơm áo, nam nữ hay sự nghiệp. Có thêm thời gian để tu dưỡng bản thân trở nên tốt hơn và trở thành những vị thầy tâm linh có khả năng hướng dẫn, dẫn dắt mọi người trên con đường tìm về với những gia trị đạo đức và hạnh phúc đích thực.
Sư Giác Minh Luật: Không muốn cho ai bài học cả, bởi vì chúng ta sẽ nhận lại rất nhiều bài học
Sư nói sư muốn trở thành một ông thầy tu hạnh phúc, nhưng hiện tại có rất nhiều bạn trẻ luôn phân vân chuyện chọn thái độ sống để tiếp cận hai chữ “hạnh phúc”. Chúng ta nên an phận thủ thường biết đủ, hay đôi khi phải bất chấp bằng mọi giá mới đạt được điều mình muốn?
Quan trọng là chúng ta phải định nghĩa được hạnh phúc gì? Thành công là như thế nào? Có lẽ các bạn hướng về chủ nghĩa vật chất nhiều, đó là thứ dễ khiến người trẻ chênh vênh đổ vỡ. Có bạn thì nặng về chuyện tình cảm, khi kết thúc một mối quan hệ là tưởng chừng như mình đã mất đi tất cả. Trong khi trước đó mình đâu có khổ về tiền bạc nhiều đến vậy, mình đâu có người kia bên cạnh mà vẫn sống vui vẻ hạnh phúc.
Nếu chúng ta bất chấp mọi thứ để có thật nhiều tiền, bất chấp để có được tình yêu thì mới gọi là có hạnh phúc, có thành công. Vậy hạnh phúc trong suy nghĩ của bạn bây giờ chỉ là tiền hoặc tình, trong khi chúng là những thứ rất vô thường, rất mau thay đổi. Bạn sẽ chênh vênh, sẽ đau khổ và chắc chắn như vậy, bởi bạn sẽ không còn có thời gian, cơ hội tiếp xúc với những giá trị hạnh phúc bình dị khác xung quanh mình.
Thay vào đó, hãy cứ nỗ lực một cách tự nhiên có phương pháp, có sự chuẩn bị và nền tảng vững chắc trong công việc, sự nghiệp và một tâm thức đạo đức đủ lớn, đủ sáng suốt để luôn sẵn sàng biết chấp nhận, biết buông bỏ. Bạn cũng sẽ có được hạnh phúc, có được thành công bởi chính sự hài lòng từ bên trong chứ không phải những thứ bên ngoài mang lại.
Có câu nói của Sư ông Làng Mai mà mình rất thích: “Chúng ta đôi khi là nạn nhân của thành công nhưng không bao giờ là nạn nhân của hạnh phúc” cho nên người có hạnh phúc chắc chắn sẽ thành công. Còn người có thành công chưa chắc có hạnh phúc.
Như vậy thì theo sư, làm sao cho những người trẻ biết đâu là điểm dừng cho tham vọng của mình, để mục tiêu hạnh phúc không biến thành con quỷ “nuốt chửng” lấy họ?
Không dễ gì dừng được tham vọng, nhưng chúng ta có thể nhận diện, thấy rõ mọi sự biểu hiện của chúng một cách rõ ràng. Trước hết phải xác định tham vọng hiện tại là tốt hay xấu, có hại hay không hại, có lợi mình, lợi người hay không?
Mọi lời nói, việc làm đều được chi phối bởi định luật nhân quả, nó không phải của Phật giáo mà là một tiến trình quy luật rất tự nhiên. Nếu chúng ta chỉ vì tham vọng bản thân mà nói, mà làm cho thỏa mãn những mục tiêu hiện tại. Thì kết quả nhận lại chỉ mang tính tạm thời, danh tiếng, tiền bạc, sự ca tụng. Nhưng nếu có không tri thức, đạo đức làm nền tảng thì chỉ là một mớ hỗn độn, bồng bột, sai lầm, dẫn đến uy tín bản thân bị suy giảm, làm cho gia đình, người thân của mình phải đau khổ, phải gánh chịu hậu quả mà mình đã tạo ra. Tệ hơn nữa khi có người không thể quay đầu, chấp nhận tham gia vào cuộc chơi của những con sói.
Tham vọng lớn đôi lúc giúp mình có động lực phấn đấu. Nhưng phải tùy sức, cần thời gian và biết rõ khả năng của chính mình, bằng sự nỗ lực chân chính mà Phật giáo gọi là Chánh Tinh Tấn. Bởi kết quả tốt đẹp sẽ là một điều tất nhiên từ mọi sự cố gắng, nỗ lực có phương pháp. Đừng để tham vọng nhất thời kia đẩy mình vào hố dữ.
Ngoài sự nghiệp, một trong những vấn đề khiến người trẻ quan tâm hiện nay chính là chuyện tình cảm, ở góc nhìn ở một Nhà Sư, theo sư có hay không khái niệm “sinh ra là đã dành cho nhau”?
Sư hay nói câu này với các bạn trẻ : “Đôi khi mình tìm một người không phải phù hợp hay không phù hợp mà là xứng hay không xứng, có xứng đáng để mình yêu thương, hy sinh, đánh đổi mọi thứ vì họ hay không?”.
Mình gặp đúng người, tự nhiên mình muốn tỉnh cũng không được, cái này người ta gọi là say nắng. Tự nhiên lúc nào trong đầu óc suy nghĩ của mình luôn gắn liền hình ảnh của người đó. Muốn thoát ra cũng không được. Chỉ cần một cử chỉ động tác, tin nhắn ngọt ngào của người đó thôi là khiến một ngày mình vui mình hạnh phúc không thể tả hoặc chỉ cần một hành động vô tâm, không gặp nhau, thăm hỏi, nhắn tin là ta đã suy diễn, là buồn, là khó chịu nguyên một ngày.
Khái niệm “sinh ra là đã dành cho nhau" cũng có thể xảy ra bởi duyên, duyên cũng có thể nhiều đời gặp lại. Nhưng việc rời xa cũng bởi duyên. Duyên hết thì tình tan, nhẹ nhàng.
Cho nên nếu chúng ta cứ đến, cứ điên cuồng khổ vì yêu, yêu hết mối tình này tới mối tình khác, dần dần chúng ta sẽ đánh mất đi niềm tin trong tình yêu. Cái đó là cái nguy hiểm nhất. Mọi người nên nhớ chúng ta mất đi người yêu chứ không thể mất đi tình yêu. Ngày nay đa phần các bạn trẻ chúng ta lẫn lộn người yêu và tình yêu là một, không đúng, chúng ta chỉ có thể mất đi người yêu thôi nhưng tình yêu phải giữ lại trong lòng mình. Dành cái đó cho người xứng đáng hơn, còn nếu không thì quay lại yêu bản thân mình, có thêm thời gian chăm sóc lại bản thân nhiều hơn.
Thực tế là có rất nhiều người vì yêu điên cuồng mà trở nên mù quáng. Đặc biệt là khi đối tượng của họ xuất hiện thêm nhân tố “thứ ba”. Trên mạng không khó bắt gặp những clip đánh ghen phản cảm, với những ai đang đau khổ vì tình yêu như vậy, sư có lời khuyên nào dành cho họ?
Đó là bản năng bình thường của con người khi ta không có cái nhìn sâu sắc, sự điềm tĩnh, chúng ta khó vô tâm lắm. Nhưng với người có bản lĩnh, họ sẽ điềm tĩnh trong những hoàn cảnh đó. Con người thường muốn có hạnh phúc bằng cách trả thù và làm người đã làm cho ta đau khổ phải đau khổ hơn. Nhưng như vậy khổ đau chỉ càng chồng chất khổ đau.
Trong hoàn cảnh đấy, chúng ta nên rời xa đi. Bởi người đang phụ bạc mình, mình bêu xấu làm cho họ nhục nhã đau khổ, thì cũng chính là người mình đã từng yêu thương hết mực. Người đó có đau khổ, có nhục nhã thì bản mình cũng không bao giờ yên ổn được. Người đã không còn yêu mình, trân trọng mình thì có cố giữ cũng chỉ là sự gượng ép cho vỏ bọc bên ngoài của hạnh phúc.
Nhiều bạn trẻ ngày nay chọn hẹn hò qua những ứng dụng điện thoại. Liệu rằng có thật là chúng ta ở thời đại này có thể tìm được “real love” trên đó không, thưa Sư?
“Real love” không thấy mà thấy mình là lốp dự phòng. Những cuộc hẹn hò trên đó đa phần người ta thả thính, đụng ai người ta cũng bắt chuyện, thả rất nhiều người. Khi có quá nhiều sự lựa chọn, người ta sẽ phân vân, rằng họ có xứng với người này không, với người kia hay không. Đến khi gặp người không ưng ý thì họ sẽ dễ dàng từ bỏ, rời xa cũng chỉ vì lý do cho mình có thêm cơ hội tìm người mới, với lựa chọn tốt hơn.
Sư Ông Làng Mai có dạy: "Chúng ta khi tìm tình yêu, chúng ta tìm tình bạn trước". Vì họ đã từng trải qua quá trình tìm hiểu làm bạn, tri kỉ của nhau. Nên khi họ lập gia đình sống với nhau, thường thì rất sâu đậm, rất bền lâu. Còn những mối tình vụng dại thoáng qua trên mạng chóng nở cũng sẽ chóng tàn.
Câu trả lời để tìm tình yêu đích thực rất đơn giản, chỉ cần bạn là ngọc thì ai cũng muốn sở hữu. Còn nếu bạn là đá ở trên đường người ta chỉ muốn bước ngang qua. Thay vì cứ mãi lăng xăng trên mạng tìm kiếm ai đó, thì tại sao các bạn không dành thời gian quay về chăm sóc bản thân mình tốt hơn, lạc quan yêu đời, phụng sự cộng đồng thì một ngày nào đó đủ duyên cũng sẽ có một người phù hợp tự tìm đến mà thôi.
Cái gì rao bán thì thường sẽ rất rẻ tiền. Cái đắt giá phải được nằm ở nơi phù hợp.
Sư Giác Minh Luật: Khi giảng cho các bạn trẻ, tôi không coi mình là người thầy mà là người bạn
Qua những chia sẻ nêu trên, có một điều đáng chú ý là sư rất quan tâm đến người trẻ. Khi tiếp cận hướng thuyết giảng kèm những câu nói viral trên mạng, sư có lo lắng sẽ bị phản ứng không?
Nói hơi quá một chút, khi làm lĩnh vực gì mà gọi là “dấn thân” thì cũng đều sẽ gặp nhiều những dư luận và sự phán xét. Giữa hiện đại và truyền thống sẽ luôn có mâu thuẫn: Con người truyền thống thì nói phương tiện thái quá. Còn người thiên về phát triển thì sẽ nhìn về truyền thống là một sự bảo thủ cố chấp.
Đối với tư tưởng của sư, quan trọng nhất mình phải xác định được đối tượng nghe và người nghe là ai. Mình luôn coi các bạn trẻ là những người bạn, khi chia sẻ điều gì về cuộc sống, về tình yêu thì mình không coi mình là người thầy nữa, mà phải là một người bạn, phải hiểu phải thương, phải nói được ngôn ngữ của các bạn. Biết được các bạn đang sống thế nào, đau khổ thế nào và đang nói, đang nghe, đang tiếp xúc cái gì mỗi ngày. Nếu không hiểu được mà vội nói, thì chỉ là người đứng ngoài, phán xét và dạy đời.
Khổ đau mỗi độ tuổi mỗi khác, vì nhu cầu giai đoạn mỗi khác. Các bạn trẻ tuổi teen 15-20 tuổi đâu muốn nghe giáo lý cao xa giải thoát. Người trẻ mới lớn phải là tương lai, sự nghiệp, gia đình, phải tùy bệnh mà cho thuốc.
Mình luôn tâm nguyện sẽ xem mình như tấm thảm lót đường để các bạn bước vào cánh cửa đạo đức, từ bi. Đôi khi bị giẫm đạp lên chút xíu cũng không sao. Miễn lòng mình vui khi tâm nguyện được thành. Có nhiều bạn trẻ sống lạc quan yêu đời hơn, sống có tình người, có yêu thương và thay đổi bản thân trở thành người có tri thức, đạo đức, cách nghĩ, cách sống luôn biết hy sinh cho gia đình và xã hội là mình vui nhất rồi.
Nhiều bạn trẻ bình luận bên dưới các video ở TikTok và YouTube của sư rằng, để có những bài giảng như vậy thì chắc Sư phải xem TikTok hơn 180 phút mỗi ngày?
Nói về xem thì ít xem, nhưng sư có duyên tiếp xúc với các bạn trẻ từ năm 18 tuổi từ khi thành lập CLB Nhân Sinh. Một tổ chức thành lập cho giới trẻ về từ thiện và tinh thần đạo đức Phật Giáo, qua những khoá tu. Mỗi lần đi với các bạn, nghe nhiều các bạn nói câu này câu kia trend hay ngôn ngữ tuổi trẻ thì mình nhớ hoặc hỏi thăm. Chẳng hạn như mình có nghe câu: Thử thách 6 ngày 6 đêm ở trên rừng không có điện thoại khi tham dự khóa tu, khi nghe bạn nói như vậy, mình có hỏi tại sao không phải 7 ngày 7 đêm hay 8 ngày 8 đêm. Hoá ra cái đó là trend trên mạng.
Mình xem và sửa những điều đó theo góc nhìn của mình. Trend mà viral mình sẽ nối vào một cách phù hợp theo bài giảng để các bạn dễ hiểu, hứng thú chứ không chỉ là những ngôn ngữ, giáo lý mang tính máy móc truyền thống. Mình lồng ghép và mang cái nhìn của mình vào, từ thiện cảm ban đầu, từ đó sẽ rất dễ tác động vào tâm thức của các bạn trẻ, thêm vào một chút hài hước, đạo đức thì nó sẽ thành cái gì đó rất dễ thương, rất riêng biệt.
Cám ơn Sư Giác Minh Luật về buổi trò chuyện này, chúc Sư có nhiều sức khoẻ!
Chúc các bạn, những người đã lắng nghe đâu đó từ sâu bên trong tấm lòng của một nhà Sư trẻ. Hi vọng chúng ta sẽ có sự đồng hành trong quá trình học đạo đức và thông qua những lời chia sẻ này sẽ kết với nhau một thiện duyên tốt đẹp trong đời. Chúc các bạn sức khoẻ và an lành.
0 nhận xét :
Đăng nhận xét